Nhân chuyện đọc cái bài báo mang tựa đề
"Làm nhân sự là để… đuổi người!" bla bla trên VnExpress, và cám cảnh câu chốt
“Ở nước mình bây giờ, nói đến nghề nhân sự cho mỹ miều chứ thật ra các doanh nghiệp chỉ cần những người “giỏi lách luật"
Nhân Viên Mới sưu tầm ngay cái nội dung về tuổi nghỉ hưu trong Dự thảo bộ luật lao động (sửa đổi) cho các anh chị em tham khảo. Còn cụ thể nó đổi như thế nào, sửa như thế nào, và có sửa hay không và còn nội dung gì nữa liên quan thì
Nhân Viên Mới sẽ cập nhật lại cho các anh chị em sau khóa học chuyên về Luật Lao Động (sửa đổi) bên EduViet sẽ khai giảng vào 06/01/2013 (ai muốn nghe trước thì đi cùng em nhá).
Quy định về tuổi nghỉ hưu là một vấn đề quan trọng có tác động đến kinh tế - xã hội sâu sắc. Quy định về tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động (LLĐ) hiện vẫn còn có các ý kiến khác nhau, nhất là khi chúng ta đang chuẩn bị sửa đổi, bổ sung BLLĐ. Có ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành (nam là 60 tuổi, nữ là 55 tuổi), còn đối với một số đối tượng là người lao động (NLĐ) làm các công việc nặng nhọc, độc hại, làm việc ở vùng cao, biên giới, hải đảo hoặc NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, NLĐ làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác sẽ thực hiện theo quy định của Chính phủ. Có ý kiến đề nghị, quy định tuổi nghỉ hưu của cả lao động nam và lao động nữ đều là 60 để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới, đảm bảo an toàn lâu dài đối với quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) và thích ứng với xu hướng già hóa dân số.
Vì vậy, việc xác định tuổi nghỉ hưu cần phải được phân tích, xem xét dưới nhiều yếu tố, góc độ khác nhau để có quy định phù hợp.
1. Tuổi nghỉ hưu dưới góc độ của khoa học an toàn vệ sinh lao động
Các nghiên cứu về giải phẫu, nhân trắc, sinh lý và cơ sinh trên người Việt Nam cho thấy: tầm vóc, thể lực, sức mạnh của nữ giới người Việt Nam cũng giống như các tộc người khác trên thế giới, chỉ bằng 75 - 80% nam giới. Bởi vậy, phụ nữ được nghỉ hưu sớm hơn so với nam giới cũng là một thông lệ phổ biến ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên, nghỉ hưu ở tuổi nào là hợp lý thì còn cần phải được tính đến khía cạnh cơ cấu dân số và việc làm, sức khỏe và việc làm trên cơ sở môi trường và điều kiện làm việc.
Các nghiên cứu về sinh lý lao động còn cho thấy, ở cùng một mức ô-xy hít vào như nhau, nhưng mạch ở phụ nữ lại cao hơn nam giới và ngược lại, ở cùng một tần số mạch như nhau, nam giới đạt được mức vận chuyển ô-xy cao hơn phụ nữ trong công việc nặng và trung bình. Trong công việc nhẹ, phụ nữ có nhịp tim cao hơn nam giới, mặc dù quá trình hồi phục hoàn toàn như nhau. Trong công việc nặng nhọc, nhịp tim của phụ nữ cao hơn của nam giới rất đáng kể và thời gian hồi phục trở về mức ban đầu cũng chậm hơn. Trung bình khả năng lao động thể lực của phụ nữ thường thấp hơn 25 - 30% so với nam giới ở cùng lứa tuổi. Ngay cả những công việc không đòi hỏi nhiều về thể lực như may mặc, da giày, chế biến thủy sản đông lạnh... thì sức khỏe của phụ nữ cũng giảm sút nhanh hơn nam giới ở cùng lứa tuổi; do phụ nữ nhạy cảm hơn nên trong cùng điều kiện môi trường lao động, phụ nữ dễ mắc một số bệnh liên quan đến môi trường lao động hơn nam giới. Lao động của cán bộ, công chức, viên chức có thể coi là lao động văn phòng/lao động trí óc với điều kiện làm việc và môi trường tự nhiên (vi khí hậu, vật lý, hóa học) tương đối tiện nghi, nhưng gánh nặng của lao động vẫn có tác động tới phụ nữ nhiều hơn so với nam giới. Chẳng hạn, đối với giáo viên, cùng một điều kiện làm việc như nhau nhưng ở nữ, với những đặc điểm sinh lý riêng của mình, họ vẫn chịu ảnh hưởng nhiều hơn.
Vì vậy, cần phải tiến hành các nghiên cứu sâu về tuổi tác và công việc để làm căn cứ khoa học đề xuất tuổi nghỉ hưu hợp lý cho từng giới, từng loại công việc.
2. Tuổi nghỉ hưu dưới góc độ của vấn đề già hóa dân số và cân đối quỹ bảo hiểm xã hội
Theo tiêu chuẩn quốc tế, một nước hay khu vực được coi là xã hội già nếu số dân từ 65 tuổi trở lên chiếm ít nhất 7%, hoặc nếu số dân từ 60 tuổi trở lên chiếm ít nhất 10% tổng dân số của quốc gia đó. Sự già hoá dân số có ảnh hưởng rất lớn đến quỹ BHXH, thể hiện ở những điểm sau:
Thứ nhất, hệ số phụ thuộc (tỷ số giữa số người đóng BHXH trên số người hưởng hưu) giảm đi. Nói một cách hình ảnh, số người đang làm việc phải “cõng” nhiều người hưởng chế độ hưu hơn (với giả định hệ thống BHXH đã phát triển, mọi NLĐ đều phải tham gia BHXH và khi về già đều được hưởng lương hưu). Ở những nước có “dân số trẻ” hoặc ở những nước hệ thống BHXH mới hình thành thì số người đóng nhiều hơn số người hưởng (hệ số phụ thuộc cao), nên quỹ BHXH không gặp phải trở ngại gì. Tuy nhiên đối với quốc gia có “dân số già” thì đây sẽ là vấn đề lớn, nếu không cải cách hệ thống hưu trí.
Thứ hai, các chi phí BHXH tăng lên. Số người đóng BHXH giảm đi, số người hưởng BHXH tăng lên thì nguồn thu của quỹ BHXH sẽ có xu hướng giảm đi và nguồn chi có xu hướng tăng lên.
Thứ ba, ảnh hưởng đến cân đối thu - chi và tăng trưởng quỹ BHXH. Đối với những nước có “dân số già” xu hướng chi BHXH (hưu trí) tăng nhanh hơn so với xu hướng thu (đóng BHXH). Hay nói cách khác, mức độ tăng trưởng của quỹ nhỏ đi và vì thế, khả năng chi trả, khả năng an toàn của quỹ sẽ bị giảm đi. Nếu không có sự điều chỉnh kịp thời về chính sách hoặc sự hỗ trợ của Nhà nước, nguy cơ “vỡ” quỹ BHXH là rất cao. Đây là vấn đề nan giải của các quỹ hưu trí ở các nước phát triển, nơi có tỷ lệ người cao tuổi cao trong dân số.
Để giảm thiểu những ảnh hưởng của sự già hoá dân số đối với hệ thống BHXH, kinh nghiệm ở các nước cho thấy có các giải pháp chính sách cơ bản sau. Một là các giải pháp về thị trường lao động: giảm thất nghiệp; tăng cường việc làm đối với phụ nữ; khắc phục xu hướng về hưu sớm; khuyến khích người cao tuổi làm việc. Hai là các giải pháp BHXH: mở rộng các hình thức hưu trí; điều chỉnh dần mức đóng và hưởng BHXH; tăng cường hệ thống phúc lợi xã hội và dịch vụ xã hội; điều chỉnh chính sách đầu tư quỹ BHXH; tăng hệ số phụ thuộc bằng cách tăng tử số (tăng số người đóng BHXH) hoặc giảm mẫu số (giảm số người hưởng hưu trí) được thực hiện bằng cách tăng tuổi làm việc lên. Tuy nhiên, việc tăng tuổi làm việc cần phải tính toán rất cẩn thận, vì việc này sẽ ảnh hưởng đến thị trường lao động. Thông thường, việc tăng tuổi làm việc chỉ áp dụng đối với những nước có “dân số già”, thị trường lao động thiếu hụt lao động và xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người cao tuổi (họ cần được sống khoẻ chứ không chỉ sống lâu). Đối với những nước có “dân số trẻ” việc tăng tuổi làm việc có khả năng dẫn đến nguy cơ tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, vì chỗ trống việc làm trong thị trường lao động sẽ ít.
Theo kết quả điều tra dân số 1/4/2009, dân số của Việt Nam đang là 85.789.573 người, tăng 9,47 triệu người so với năm 1999. Việt Nam vẫn tiếp tục được xếp vào nhóm quốc gia có quy mô dân số lớn trên thế giới (thứ 13). Cơ cấu dân số theo độ tuổi của Việt Nam hiện nay được coi là “cơ cấu dân số vàng”: Khoảng 25% dân số thuộc nhóm tuổi dưới 15. Tỷ trọng dân số từ 15 tuổi trở lên tăng từ 67,99% năm 2000 lên 74,94% năm 2008. Tuy nhiên, một vấn đề đang được đặt ra đối với nước ta là sự già hoá dân số khá nhanh. Theo thống kê, năm 2008, tỷ lệ người trên 60 tuổi ở Việt Nam là 9,5% - xấp xỉ tỷ lệ 10% theo định nghĩa già hóa của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP). Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới dân số già khi chưa giàu, chưa tích lũy được gì thì đã già. Theo một dự báo của Liên hiệp quốc, đến năm 2030, số người già trên 60 tuổi ở nước ta sẽ chiếm 15,8% dân số và đến năm 2050 là 26,1%. Số người cao tuổi chiếm tỷ lệ cao trong dân số và số trẻ em sơ sinh bị chết giảm đi sẽ làm cho tuổi thọ trung bình tăng lên. Nếu như giai đoạn 1985 - 1990, tuổi thọ trung bình của dân cư nước ta là 62,9 năm thì đến giai đoạn 2005 - 2010 là 74,3 và dự báo giai đoạn 2015 - 2020 là 76,4 năm. Tuy tuổi thọ tăng lên, nhưng tuổi thọ khoẻ mạnh của người dân hiện tại chỉ đạt khoảng 58 tuổi, như vậy, có khoảng 14 - 16 năm người cao tuổi bị ốm đau. Để hướng tới mục tiêu sống thọ và sống khoẻ, thì đây là một trong những vấn đề của chính sách an sinh xã hội nói chung và BHXH nói riêng.
Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, từ năm 2007 đến năm 2010, mỗi năm nước ta có trên 100.000 người nghỉ hưởng lương hưu hàng tháng (nam chiếm 48%, nữ chiếm 52%); tuổi nghỉ hưu thực tế bình quân chung thấp (53,2 tuổi), trong đó nam thấp hơn 5 tuổi so tuổi lao động (55,1 tuổi), nữ thấp hơn 3,4 tuổi so tuổi lao động (51,6 tuổi); tuổi nghỉ hưu thực tế bình quân khu vực doanh nghiệp nhà nước và tư nhân rất thấp (nam 52 tuổi, nữ 49 tuổi); khu vực hành chính sự nghiệp tuổi nghỉ hưu cao, bình quân 55,8 (nam 58,5, nữ 54,1); tỷ lệ nghỉ hưu đúng tuổi 60 đối với nam, 55 đối với nữ chiếm tỷ lệ thấp (40,5%); số người nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên (nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi) chiếm tỷ lệ cao, tới 52,3% (đối tượng này nghỉ hưu sớm, tuy lương hưu thấp nhưng thời gian hưởng lương hưu rất dài, thời gian đóng BHXH ít).
Nguyên nhân của việc tuổi nghỉ hưu thực tế hiện nay thấp là do:
- Quy định tuổi nghỉ hưu còn thấp, trong khi tuổi thọ trung bình ngày càng tăng (theo số liệu thống kê năm 2010, tuổi thọ bình quân của người nghỉ hưu chết là 73,04 tuổi, trong đó nam là 73,95 tuổi, nữ là 71,2 tuổi). Như vậy thời gian trả lương hưu tương đối dài, bình quân là gần 20 năm (73 tuổi - 53,2 tuổi), trong đó nam là 19 năm, nữ là 20 năm.
- Quy định tuổi nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên quá rộng (nam 50 tuổi, nữ 45 tuổi), đồng thời quy định đối tượng này chỉ bị trừ tỷ lệ lương hưu cho 1% mỗi năm nghỉ trước tuổi so với quy định là quá thấp, mức lương hưu quy định thấp nhất bằng tiền lương tối thiểu và cùng với việc giám định tỷ lệ mất khả năng lao động 61% hiện nay chưa chặt chẽ.
- Nhà nước quy định giảm tuổi nghỉ hưu để phục vụ cho việc tinh giản biên chế trong các cơ quan nhà nuớc và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước (giảm 5 tuổi so quy định).
- Quy định chức danh nghề nặng nhọc độc hại còn rộng (nhiều năm nay chỉ bổ sung thêm dù công nghệ tiên tiến ngày càng được áp dụng nhiều).
Đến cuối năm 2010, quỹ hưu trí, tử tuất (là quỹ thành phần chính của quỹ BHXH và là quỹ dài hạn để chi trả lương hưu, trợ cấp tuất hàng tháng cho các năm và chi trả các khoản trợ cấp một lần) còn tồn dư 113.685 tỷ đồng và dự kiến năm 2011, ngân sách chuyển sang cho quỹ BHXH tiền đóng BHXH của đối tượng tham gia BHXH trước 01/10/1995 là 85.000 tỷ đồng (tổng số tiền của quỹ còn dư là gần 200.000 tỷ đồng). Với mức đóng góp và mức hưởng chế độ như quy định của chính sách hiện nay, kết quả dự báo về tình hình cân đối quỹ này như sau: năm 2023 số thu bằng số chi, từ năm 2024 trở đi, để đảm bảo chi chế độ hưu trí, tử tuất, ngoài số thu trong năm phải trích thêm từ số dư của quỹ. Năm 2037, nếu không có chính sách hoặc biện pháp tăng thu hoặc giảm chi thì số thu BHXH trong năm và số tồn tích bắt đầu không đảm bảo khả năng chi trả, các năm sau đó số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu trong năm.
Từ kết quả dự báo trên, nhìn chung, tình hình cân đối quỹ hưu trí, tử tuất chưa đảm bảo tính bền vững, lâu dài. Tình trạng mốt cân đối quỹ có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về tuổi nghỉ hưu. Với góc độ đảm bảo cho quỹ BHXH cân đối bền vững và lâu dài, cần phải có những giải pháp liên quan đến tuổi nghỉ hưu như sửa đổi quy định điều kiện giảm tuổi nghỉ hưu, tăng dần tuổi nghỉ hưu đối với NLĐ.
3. Tuổi nghỉ hưu dưới góc độ bảo đảm bình đẳng giới
Xét trên phương diện bình đẳng thì nam giới và phụ nữ phải có quyền nghỉ hưu ở độ tuổi như nhau. Theo BLLĐ quy định hiện hành, tuổi về hưu của nữ thấp hơn nam giới 5 năm là bất bình đẳng đối với nữ. Lý do là nếu tiếp tục được làm việc, phụ nữ sẽ có cơ hội thăng tiến, cải thiện được các mức lương trung bình làm căn cứ để tính mức lương hưu và cải thiện được các mức hưu trí do số năm đóng cao hơn. Cũng có ý kiến cho rằng, đây là bất bình đẳng đối với nam giới do phụ nữ phải làm làm việc ít hơn, thời gian đóng ít hơn, song mức huởng hưu trí lâu hơn, do phụ nữ sống lâu hơn. Xét trên quan niệm về quyền và ưu đãi, nếu đến 55 tuổi được quyền nghỉ ngơi, được nhận lương hưu thì đó là "quyền". Nếu đến 55 tuổi, buộc phải về hưu thì đó là "bắt buộc". Mặc dù quy định này được đặt ra với mục tiêu là “ưu tiên” cho phụ nữ, nhưng thực tế đã hạn chế quyền được nghỉ hưu ngang bằng với nam giới. Nếu muốn coi đây là “ưu tiên” thì không nên quy định cứng như vậy, lao động nữ phải được quyền lựa chọn về hưu ở độ tuổi 55 hoặc muộn hơn.
Có sự thiên vị giới trong chính sách bảo hiểm xã hội hiện hành cũng như theo dự án BLLĐ (sửa đổi), là dành sự ưu ái đặc biệt cho lao động nữ. Cụ thể, lao động nữ đảm bảo điều kiện về thời gian đóng BHXH theo quy định thì được hưởng lương hưu sớm hơn từ 3 đến 5 năm so với nam giới. Hơn thế nữa, Luật BHXH năm 2006 và các văn bản dưới luật tạo thêm thuận lợi cho lao động nữ về cách tính lương hưu: Mức lương hưu tháng bằng 45% bình quân lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm và sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH thì nữ được tính thêm 3% còn nam chỉ được tính thêm 2%. Do đó, lao động nữ chỉ cần đóng góp 25 năm để hưởng mức lương hưu tối đa được phép, còn nam giới phải cần tới 30 năm.
Thực tiễn triển khai BLLĐ hiện hành cho thấy, tuổi nghỉ hưu đã và đang được tính là tuổi đời hưởng lương hưu, theo đó tuổi nghỉ hưu của nam giới là 60, muộn hơn nữ 5 năm. Và kiến nghị về bảo đảm quyền bình đẳng đối với phụ nữ về tuổi nghỉ hưu đã được lặp đi lặp lại trong rất nhiều các báo cáo, tổng kết, hội thảo… Điển hình vào năm 2001, Ủy ban CEDAW đã gửi văn bản khuyến nghị sửa quy định được coi là “mang tính phân biệt đối xử với phụ nữ” sau khi Chính phủ đệ trình và bảo vệ Báo cáo về tình hình thực hiện Công ước[1]. Gần đây nhất, công trình “CEDAW và pháp luật: Nghiên cứu rà soát văn bản pháp luật Việt Nam trên cơ sở quyền và giới qua lăng kính CEDAW” nêu rõ: BLLĐ và Luật BHXH phải được sửa đổi, nhằm bảo đảm độ tuổi nghỉ hưu bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ, cụ thể là Điều 145 của BLLĐ và các Điều 50, 51, 70 và 73 của Luật BHXH; không được có sự phân biệt về giới tính trong độ tuổi nghỉ hưu.
Qua phân tích tuổi nghỉ hưu dưới các góc độ khác nhau cho thấy, việc quy định về vấn đề này phải được tiến hành thận trọng, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của NLĐ, đồng thời bảo đảm tính hiệu quả, hợp lý, tính khả thi và tính đồng bộ trong hệ thống chính sách, pháp luật của nước ta. Quy định vấn đề này phải đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng Báo cáo đánh giá tác động, trong đó lưu ý:
- Phân loại rõ các loại đối tượng khác nhau sẽ chịu tác động của chính sách: NLĐ theo hợp đồng lao động; cán bộ, công chức, viên chức: cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; không lãnh đạo, quản lý…; NLĐ, cán bộ, công chức, viên chức thuộc các ngành nghề và tính chất công việc khác nhau như: độc hại, nguy hiểm; kỹ thuật cao…
- Phân tích các tác động tới kinh tế, xã hội; tác động tới quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; tới hệ thống pháp luật và khả năng tuân thủ quy định của các đối tượng: (i) về nguồn lực lao động: cơ hội có việc làm của giới trẻ; vấn đề sử dụng trí tuệ, kinh nghiệm của NLĐ…; (ii) vấn đề bảo đảm an toàn quỹ BHXH; (iii) vấn đề ngân sách nhà nước liên quan tới quỹ lương; vấn đề giảm biên chế bộ máy hành chính…; (iv) vấn đề liên quan tới y tế, sức khỏe; đời sống văn hóa, xã hội của người nghỉ hưu; (v) vấn đề liên quan tới bình đẳng giới, bảo đảm công bằng xã hội; quan hệ quốc tế…
- Cần làm rõ một số vấn đề để có cơ sở điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của NLĐ nói chung, lao động nữ nói riêng: (i) xác định rõ tỷ lệ NLĐ (đặc biệt là nữ) hưởng chế độ hưu trí chịu sự tác động của sự thay đổi về độ tuổi nghỉ hưu; (ii) những ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội nói chung và chính sách, pháp luật bảo hiểm hưu trí nói riêng (quỹ hưu trí). Cần lưu ý, những yếu tố ảnh hưởng đến quỹ hưu trí không chỉ là vấn đề kéo dài độ tuổi lao động.
Hiện nay, dự thảo BLLĐ (sửa đổi) đang được chỉnh lý quy định tuổi nghỉ hưu như sau: NLĐ bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, NLĐ làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác được nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn so với quy định này. Chính phủ quy định cụ thể về đối tượng áp dụng, tuổi nghỉ hưu và phương thức tăng tuổi nghỉ hưu của các đối tượng trên.
Nhìn chung, quy định trên đã dựa trên việc phân tích các yếu tố tác động đến tuổi nghỉ hưu như vấn đề sức khỏe NLĐ ở các ngành, nghề khác nhau, xu hướng già hóa dân số với việc bảo đảm cân bằng quỹ BHXH... Quy định về tuổi nghỉ hưu như dự thảo Bộ luật cơ bản là giữ như hiện hành, nhưng đã cho phép có thể điều chỉnh nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; nhóm lao động làm công tác quản lý có thể kéo dài thời gian làm việc nếu có nhu cầu, tự nguyện, có sức khỏe. Tuy nhiên đối với nhóm lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, làm việc ở vùng cao, biên giới, hải đảo bị suy giảm sức lao động thì chưa có quy định được nghỉ hưu trước thời gian quy định. Vì vậy, cần quy định thêm những đối tượng được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn quy định này để tùy theo điều kiện trong từng giai đoạn, Chính phủ có thể xem xét quy định cụ thể tuổi nghỉ hưu của các nhóm lao động khác nhau, tạo điều kiện thực tiễn để xem xét tổng thể tuổi nghỉ hưu trong tương lai.
Đấy mọi người ạ, dự là như thế, các anh chị và các bạn mới làm trong các doanh nghiệp trẻ chắc cũng chả quan tâm đến cái nội dung bảo hiểm - tuổi nghỉ hưu này lắm nhỉ.
Nhưng Nhân Viên mới nghĩ rằng, biết thêm chả bao giờ là thừa, biết đâu mọi người lại chuyển đến làm tại doanh nghiệp "già" nào đó, hoặc giả người thân người quen nào đó của các anh chị và các bạn cần tư vấn về điều này chẳng hạn.
Chúc các anh chị và các bạn thành công trong công việc và cuộc sống - hay - "trộm vía" có được công việc tốt, giữ được việc làm thời khủng hoảng này nhé.