Thời gian những năm gần đây nếu bạn đọc báo và có để ý về tình hình kinh tế, việc làm của xã hội bạn sẽ thường xuyên thấy có cụm từ gần giống sau đây xuất hiện;
Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tề, thứ tư mới là trí tuệ.
Có lẽ không cần phải phân tích câu này, mọi người đều dễ dàng hiểu. Trong nhiều hoàn cảnh, câu đó là sự mỉa mai, lúc khác lại là sự ca thán, chán nản về tình hình thực tại, một số khác qui tội cho xã hội xuống cấp, giáo dục bại hoại,… Những góc nhìn tiêu cực sẽ không giải quyết vấn đề nếu bạn là đang là sinh viên và bạn mong muốn rằng khi ra trường bạn có một công việc bằng khả năng của bạn, và không muốn tham gia vào những chiêu trò mang tính tiêu cực.
Từng là một sinh viên, tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm của bản thân để các bạn sinh viên có thể tham khảo, và có thể một ngày nào đó bạn cũng sẽ mỉm cười giống tôi “mình thật là may mắn“.
Bạn không cần phải là một người có IQ cao, siêng năng hơn hẳn mọi người. Nói chung, là một người bình thường nhưng bạn đã thi đỗ vào một trường đại học không danh tiếng lắm như kiểu FTU – ĐH Ngoại thương (được mệnh danh là Harvard của Việt Nam) nhưng cũng không đến nỗi tai tiếng. Như vậy, bạn đã là trong số 20% người của tốp trên các thí sinh vượt qua được kỳ thi. Một thành tích không tệ đến nỗi phải bi quan phải không nào?
Okie, giờ thì bạn đã là sinh viên rồi và nếu bạn đang là sinh viên năm nhất, tôi sẽ không nói với bạn nhiều, mà bạn nên đọc bài này để hiểu những gì đang chờ đợi mình. Tôi sẽ chỉ chia sẻ những gì tôi đã trải qua khi bước vào học chuyên ngành (tức từ năm 3 trở đi) nhưng cũng sẽ điểm qua được thời của tôi như thế nào để các bạn có được sự mường tượng.
Tôi học trung học phổ thông ở một thành phố biển quê nhà, một trường cũng được gọi là “có số má” chỉ xếp sau trường chuyên. Thời cấp hai, tôi có thể đứng trong tốp 10 của lớp, nhưng những năm cấp 3, học ở môi trường lạ, hơn nữa bắt đầu có những việc lộn xộn trong tâm sinh lý, tôi đâm ra học hành kém hẳn, năm nào cũng xếp nhất hoặc hai từ dưới đếm lên. Bố mẹ thì không bao giờ có quan niệm định hướng hoặc ép buộc con sẽ theo ngành nghề nào khi vào đại học. Và việc sẽ vào đại học nào cũng chẳng phải là điều quan tâm của tôi lúc ấy, suốt ba năm cấp 3, tôi chỉ quan tâm là làm thế nào để có thể hút thuốc lá phả khói ra hình trái tim để loè mấy em ở quán cà phê và công việc mỗi ngày sau giờ lên lớp là loay hoay với mấy chú chim cảnh. Cho đến một ngày, cái ngày mà cả lớp thảo luận sẽ làm gì vào ngày học cuối cùng (của đời học sinh) cho có ý nghĩa. Ngày này, bây giờ năm nào báo chí cũng tranh thủ làm hàng tá ảnh và thi nhau vung vít, toàn nói về chuyện nữ sinh, nam đẹp xấu gì đó, khóc ra sao,… mà chẳng có mấy bài thử phỏng vấn một vài cô cậu xem cô cậu đang chuẩn bị gì cho cuộc đời. Tôi cuống cuồng điền vào đơn dự thi đại học để nộp lên Sở Giáo dục và Đào tạo (bởi ở trường không còn nhận nữa). Thực sự, tôi không có bất cứ khái niệm nào về việc vào đời, chọn trường đại học ra sao, và phần lớn bạn bè của tôi cũng thế, trừ những đứa có anh chị đang là sinh viên hoặc sống trong một gia đình trí thức. Bố tôi bảo rằng nếu tôi không đi học đại học, ông sẽ cho vài chỉ vàng và cho mượn một mảnh đất để nuôi heo để có kế sinh nhai nuôi thân. Điều lạ lùng là nhà tôi chẳng có ai làm nông dù sống ở nông thôn. Các bạn có thể buồn cười nhưng tôi sợ phải tắm cho heo (về sau này tôi biết nỗi sợ đó không phải là sợ con heo, mà là sợ mùi thuốc thú y) nên tôi đành phải nộp đơn dự thi đại học, và tôi cũng thích vọc máy tính nên khi mở quyển “những điều cần biết” ra, tôi chọn ngành nào nghe có vẻ “công nghệ thông tin” nhưng tuyển sinh khối C. Thật may làm sao, sau vài tuần học mấy môn học bài Văn, Sử, Địa và đi thi như bao thí sinh khác, tôi đường hoàng trở thành một sinh viên. Năm học đầu tiên tôi chỉ nhớ được môn thú vị nhất là môn… Quân sự, còn thì không có tượng gì các môn còn lại. Năm thứ hai tình hình cũng gần tương tự. Trong hai năm đó tôi làm gì? Những sinh viên VN đi du học, SV, giảng viên nước ngoài đến VN qua sát và đưa ra nhận định “hầu hết SV Việt Nam trải qua một kỳ nghỉ dài vô cùng thoải mái“, tôi đồng ý với nhận định này. Hai năm đó, những lúc trong túi rủng rỉnh tôi dạo quanh các quán thịt chó gần khu Thảo cầm viên Sài Gòn, hoặc ngồi café Văn Khoa, lúc đói kém hơn, tôi ghé các tiệm sách cũ để mua các loại tiểu thuyết ba xu chữ to như gà mái để về đêm đêm nằm đọc, có 1 học kỳ tôi nghỉ nguyên để “luyện chưởng” với mớ sách đó.
Năm thứ 3, rất may là vào học chuyên ngành thường xuyên phải làm bài tập, thuyết trình này nọ nên việc học vô tình bị thúc đẩy, lúc này khó có việc chơi cả học kỳ đợi đến khi thi nếu không muốn bị thi lại. Tôi cũng kịp nhận ra rằng không lúc này sẽ không còn lúc nào để tôi có cơ hội kịp bổ sung thêm một số kiến thức để để “ăn tục nói phét” khi ra trường. Tôi lại nghĩ đến những con heo (chưa mua) ở quê nhà, thế là cũng có nỗ lực một chút, điểm trung bình học kỳ của học kỳ 4 đến học kỳ 8 cao hơn học kỳ 1 đến 4 là 1 điểm (tức 7,2 so với 6,2). Cho hết năm 3, tôi cũng chưa hình dung mình sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp, chỉ có kỳ kiến tập ngắn vẽ ra cho tôi một số hình dung nhỏ nhoi về công việc sẽ làm. Cũng có vài dạng bài tập gọi là “nghiên cứu khoa học”, vài sinh viên đăng ký làm chung một cái. Như các bạn khác, tôi cũng tham gia cho vui. Cái này trông vô bổ về mặt khoa học bởi viết nhăng viết cuội phần nhiều, nhưng tôi cũng cho rằng nó hữu ích vì áp lực hoàn thành, phải đi làm khảo sát, điều tra, thu thập tài liệu,… làm cho những thành viên trở nên năng động hơn. Năm 4, nhiều bạn cùng lớp lo loay hoay trả nợ môn, tôi may mắn hơn vì không bị rớt môn nào nên cũng khá thảnh thơi. Đi thực tập là niềm vui sướng, công việc thực tế cũng không có gì hấp dẫn tôi, điều tôi thấy thú vị là ở trong sân cơ quan thực tập có vài loại cây ăn trái, tôi lại là một cậu nhóc hiếu động, nên việc trèo lên cây chỉ là chuyện nhỏ, hơn nữa, lớp toàn con gái, tôi cũng muốn “biểu diễn một chút kỹ năng của một thằng con trai xuất thân từ nông thôn”
Một cơ hội việc làm đến một cách rất vô tình bắt nguồn từ việc tôi phá hỏng chiếc máy in kim (sau hơn 10 năm tôi vẫn còn nhớ tên máy in đó là Epson LQ-2180) bằng cách vẽ một con thỏ và bỏ tờ giấy học trò vào in. Tin phá hoại của tôi bay nhanh từ nhóm thực tập về khoa… Nhờ “thành tích” ấy, tôi được một cô giáo dạy tôi đề nghị một công việc làm thêm ngoài giờ (có lẽ cô nghĩ rằng tôi có thể xoay xở được với chiếc máy photocopy khá cũ ở đấy, hay là muốn nó hỏng hẳn để có thể đề nghị cơ quan mua máy mới không chừng?!)
Kinh nghiệm ở chỗ nào, sao không thấy chia sẻ? Đọc đến đây có thể bạn nổi giận về việc tôi cho bạn ăn quả lừa và viết rất dông dài, chém gió, bốc phét nổ trời?!. Thực sự, bạn đang được tôi training về tính kiên nhẫn và khả năng đọc hiểu đấy
- Tôi có tham gia công tác xã hội chủ yếu là lúc đó ham vui và bị rủ rê chứ tôi không khoái lắm các hoạt động của Đoàn trường (tổ chức quản lý nó là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đấy). Cụ thể làm gì? Đi phát bánh trung thu, tham gia vài mùa chiến dịch tình nguyện Mùa Hè Xanh và cùng một thằng bạn học báo chí đi làm vài thứ chuyện vớ vẩn như nhặt bọc rác, vệ sinh kênh rạch (nói đúng hơn là đi… móc bùn).
- Tôi có tham gia vài câu lạc bộ; thực sự, tôi không biết hát, cũng chẳng biết múa, nói hẳn là lĩnh vực văn nghệ và nghệ thuật xem như mù tịt, chẳng biết gì. Nhưng tôi có đi tới những quán cà phê mà ở đó người ta chơi chim, đánh cờ, đọc sách hoặc truyền bá những thứ lúc đó còn mới mẻ; bán hàng đa cấp.
- Tôi cũng có đi làm thêm; dọn dẹp một căn phòng chứa đầy sách cũ để họ dùng căn phòng đó vào việc khác và được trả công rất rẻ bèo nhưng vui vì ở đó có một chiếc máy tính có trò WarCraft II (còn gọi là đế chế), giờ nghỉ trưa tôi có thể ngồi đó và kéo quân chinh phạt này nọ. Thêm một số việc linh tinh khác như được các bạn nữ SV thuê làm xe ôm chở đi tới bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương hoặc cái chỗ Bà mẻ trẻ em quái quỉ nào đó ở đường Cao Thắng; đánh máy văn bản / soạn PowerPoint thuê.
Và còn nhiều công việc lặt vặt khác không nhớ nổi hoặc vì lý do nào đó mà tôi không tiện liệt kê ra đây.
Vậy, những thứ linh tinh chẳng liên quan gì đến việc học – là nhiệm vụ hàng đầu của người sinh viên để làm gì? Tôi và một anh bạn từng tranh luận. Anh ấy đi con đường của anh ấy, tôi đi con đường của tôi. Ở đây tôi cho rằng không có đúng hay sai, cả hai cách đều ổn nếu chúng ta hiểu rằng việc học dù sao thì cũng là một cách trang bị hành trang để vào đời chứ không phải là một thứ trang sức để thể hiện rằng ta đây là trí thức hoặc có chút chữ nghĩa. Anh bạn tôi không hề đi làm thêm, không tham gia bất cứ hoạt động xã hội, làm thêm việc nào. Anh ấy học rất chăm, đến độ tóc quên cắt, thuê phòng trọ với cự ly rất gần trường để tận dùng phòng học trống, thư viện của trường cho việc học. Và anh ấy cũng thông minh nữa (đánh cờ khá giỏi, viết lách và trình bày các thứ rất logic, làm test IQ điểm cao). Anh ấy lý luận; thay vì mày đi làm thêm kiếm tiền, tao học chăm và lĩnh một lần vài loại học bổng khác nhau, cái nào hơn? Tôi mới hỏi; thế mày định sẽ làm gì trong tương lai? Anh ấy bảo; tao sẽ làm một nhà khoa học hoặc bét ra thì cũng làm một công việc liên quan đến viết lách, nghiên cứu, biên soạn từ điển. Tôi bảo; tao không học chăm như mày được, và tao cũng không thể ráng sức cỡ nào để có được 10 điểm môn mỹ học như mày, vậy mày nói xem, tao sẽ như thế nào? Sau khi tranh luận thì đi đến ngã ngũ; anh ấy và tôi cùng đồng ý rằng mỗi người có một con đường riêng, miễn con đường đó là đi bằng đôi chân của mình.
Sau này, khi ngồi vào vị trí của một người tuyển dụng, tôi mới thấy rằng những việc mình làm thời sinh viên, tưởng rất vô bổ, chủ yếu là ham vui nhưng vô tình nó là những công việc hữu ích, nó mang đến những thứ sau;
.
1. Tạo lập và rèn luyện cho bạn một số kỹ năng mềm; gặp gỡ người nọ người kia, nhìn thấy công sở người ta làm việc ra sao, công ty lớn – nhỏ, chỗ làm kinh doanh nhỏ, kinh tế hộ gia đình hoặc đơn giản là một cái xe nước mía,… người ta làm ăn như thế nào. Nếu bạn ở trong một gia đình mà phải sớm phải làm lụng vất vả để mưu sinh, thì những thứ như tôi nói là quá xoàng xĩnh, nhưng nếu bạn hồi giờ chỉ học hành thì bạn thấy sự thể là bạn bớt gà đi nhiều nhiều.
2. Tạo lập được các mối quan hệ xã hội; biết được người nọ người kia, ai là “tay tổ” trong nghề nào, những vụ xì-căn-đan nào từng xảy ra, điều gì là đáng tự hào về nghề nghiệp mình sẽ thay đổi, những gì “đạo đức nghề nghiệp” nên tránh, cám dỗ là gì,… Việc có lợi trước mắt; dễ tìm được chỗ xin thực tập và có thể kiếm được công việc trước khi tốt nghiệp.
3. Phát hiện ra một số khả năng của bản thân mà bạn chưa bao giờ từng biết đến; tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi có thể cầm đầu một nhóm các bạn khi đi chiến dịch tình nguyện Mùa Hè Xanh, và nhóm của tôi là một trong những nhóm được xem là có sức mạnh nhất, làm được nhiều việc ra trò nhờ sự đoàn kết. Tôi cũng không bao giờ nghĩ rằng bằng việc đi lang thang vào những buổi học quá tẻ nhạt, tôi đã vô tình học được việc sửa xe máy, thui rơm một con chó như thế nào, cho đến việc lắp ráp một chiếc máy tính PC dạng desktop, dù tôi là dân khoa học xã hội, đến việc cắt cổ gà còn không làm được…
4. Học đại học khác với học cấp 4 hay học phổ thông; bạn có thể thu nhận một số thứ sách giáo khoa không cung cấp mà bằng việc mài đũng quần ở giảng đường, các câu lạc bộ, thậm chí là quán cà phê của các giảng viên, sinh viên; những nơi sinh hoạt như thế này tuy kiến thức về học thuật và các cuộc tranh luận còn lâu mới được như nước ngoài mà ta đọc thấy trong sách (diễn thuyết như ở công viên Hyde Park của nước Anh chẳng hạn) nhưng nó cũng là những kiến thức mang hơi hướm “hàn lâm” một chút, cũng kích thích đầu óc bạn chịu suy nghĩ một chút. Tôi chỉ có thể tóm tắt tôi học được sự khác nhau lớn nhất ở phương Đông và phương Tây, và ngày nay người ta đang học hỏi, bổ sung lẫn nhau. Vì sao phương Tây lại là mảnh đất của khoa học, và phương Đông là mảnh đất của tâm linh? Bạn tự tìm câu trả lời đi nhé. Biết cái này, khi gặp một người đến từ bên kia bán cầu bạn sẽ không cảm thấy sốc hoặc làm cho họ sốc.
…. và còn rất nhiều thứ nữa nhưng bài viết có hạn, tôi sẽ có lúc khác đề cập.
Nếu đứng ở vai trò người tuyển dụng, bạn sẽ nhận ra rằng bạn thích tuyển được những người từng tham gia công tác xã hội, thiện nguyện. Khi vị trí cần tuyển là lãnh đạo, quản lý, bạn còn thích thấy được trong CV ứng viên có những dòng thể hiện họ là một thủ lĩnh thực sự của một nhóm nào đó hơn là việc họ lộ ra rằng họ từng được đặt vào ghế nào đó bởi có ông bố/ bà mẹ làm chức vụ nọ kia.
Một sinh viên mới ra trường, bạn cảm thấy nản lòng khi ở đâu cũng đòi hỏi kinh nghiệm, làm sao ghi vào trong CV và kinh nghiệm ở đâu ra? Thực sự, trừ những vị trí đặc biệt, trong mẩu tin tuyển dụng người ta ghi rõ kinh nghiệm 2-3 năm hoặc hơn, còn thì họ không ghi gì hoặc ghi 1 năm, bạn có thể đáp ứng yêu cầu đấy. Tại sao? Những việc như tôi kể ở trên, tôi ghi đàng hoàng vào hồ sơ của tôi là tôi có kinh nghiệm 10 tháng khi nộp hồ sơ bởi cả thời gian thực tập và làm việc bán thời gian cộng lại, đúng 10 tháng, nếu tôi thích mập mờ câu chữ, tôi có thể ghi hẳn là “gần 01 năm”, ai dám bắt bẻ nào?
Sau khi đọc hết bài trên, bạn có tìm ra nguyên nhân vì sao bạn nộp hồ sơ ở nhiều nơi mà không ai gọi cho bạn?
Một cách vô tình và vì công việc, tôi có trao đổi với số người làm công tác tuyển dụng khác, tôi có một phát hiện nhỏ muốn chia sẻ cùng bạn; đừng để bạn có một quãng trống nào trong CV của bạn, bạn phải bằng mọi giá có được việc làm dù nó có thể không phù hợp với chuyên môn môn của bạn, kể cả những công việc bán thời gian. Rất nhiều hồ sơ ứng viên bị loại ngay vòng gửi xe bởi nó có những đoạn “lủng lỗ”, bỏ trống thời gian kiểu “thất nghiệp trắng”.
Cuối cùng, bạn thấy bạn có may mắn không? Bạn cũng nhận ra rằng may mắn có được cũng đến từ sự chuẩn bị? Nếu may mắn, hãy cùng tôi đi uống bia hơi với đậu phộng rang muối nào.
— ráng thêm một chút… —
Mấy ông thầy bói nói có lý “cuộc đời của con ít gập ghềnh, đi đâu, làm gì cũng có quý nhân phò trợ tuy có thể không giầu sang, vinh hiển nhưng kiếm ăn dễ dàng chẳng phải nghĩ suy nhiều“
Quang Võ - Nhân Viên Mới st