“… Không ai đánh thuế giấc mơ, vì thế nếu mơ, con hãy mơ thật đẹp, thật lớn, lớn hơn con có thể tưởng tượng, để mai này con lớn và giấc mơ con thành hiện thực thì dù có bị teo tóp và méo mó đến đâu, nó vẫn đẹp, và bao la như con từng mơ tưởng…”
Con người có trí tưởng tượng vô cùng tuyệt vời. Người ta không cần đi đến pháp để biết Paris đẹp và lộng lẫy ra sao. Người ta thường đọc, và tưởng tượng, thường mơ, và tự vẽ ra cho mình một Paris tràn ngập tình yêu và xa hoa lộng lẫy! Họ nuôi ước mơ, một ngày được đặt chân đến cái xứ đó, được hít thở, ngắm nhìn và đắm chìm trong cái không khí tình yêu mà sách báo thường nhắc qua nhắc lại!
Đến Paris rồi, có người cười nhạt, có người ngỡ ngàng, có người thất vọng. Nhưng ít nhất, người ta đã nuôi nấng đứa con tinh thần tên là ước mơ, và dù có xấu xí, méo mó đến đâu, họ vẫn tự hào đã đạt được ước mơ đó!
Nhìn chung từ khi sinh ra, con người đã có ước mơ, có hoài bão, và những suy nghĩ ấy cũng như tấm bàn đồ nho nhỏ họ bỏ vào dưới vỏ não, để ngày ngày họ bước đi, mọi con đường họ chọn đều dẫn đến nơi ước mơ họ được chôn dấu. Lũ trẻ xem phim hoạt hình, ao ước lớn lên có được sức mạnh phi thường, đóng vai người hùng giải cứu trái đất, khát khao một ngày có tấm vải đỏ, trên vẽ nguệch ngoạc chữ cái đầu tên nó, bay vào mây và tiễu trừ gian ác. Lớn tí nữa, vẫn những đứa trẻ kia, nghiệm ra mình không có thể bay mà không mua vé, không thể cứu trái đất nếu có người ngoài hành tinh, chúng tìm đến những ước mơ có tính thực tiễn hơn như ” có được người yêu, thi không trượt môn nào, tốt nghiệp loại ưu, có được công việc mình yêu thích”. Ước mơ là thế, nhưng thực tại thì vẫn luôn tồn tại song song với những ước mơ đấy.
Có mấy người bước chân ra đời mà bên cạnh có được người mình tin yêu và ủng hộ nhất. Có mấy người mở cửa cuộc sống, tự tin sải bước mà được làm những gì mà mình mơ ước. Có đến hàng tỉ lý do, ví như: Họ không đủ tài năng để thực hiện ước mơ, họ không đủ tiền tài, địa vị thấp, gia đình vợ con bìu díu, một bước sa chân, là kéo theo 3 4 cái mồm và vô số các rắc rối khác. Người ta dừng mơ, và hối hả trở lại thực tại, nghĩ rằng ít lâu nữa, khi mọi chuyện ổn hơn, họ sẽ tiếp tục tìm đường đến nơi thần tiên đấy!
Ít lâu…
Ít, thực ra là chủ quan, chứ thực ra có đếm đc đâu. Mà, trong từ đấy, đã có chữ lâu rồi!
Tôi sinh ra đã cười!
Tất nhiên là trừ cái giây phút đi ra từ trong bụng mẹ và khóc ré lên vì sung sướng, vì từ giây phút ấy tôi đã bắt đầu tự mình thu thập thông tin, lắp ghép, thêm mắm muối để một mai có thể làm người khác cười như tự làm mình cười vậy. Vì thế từ bé, tôi đã không mong làm người hùng, khoác tấm vải đỏ, lượn vèo vèo trên nóc mấy tòa nhà cao tầng gần nơi tôi sống để cứu giúp người vô tội. Suy cho cùng, nếu lũ trẻ con lớn lên đứa nào cũng là siêu nhân cứu người vô tội, thì xã hội phải sinh ra số lượng người xấu gấp 100 lần số siêu nhân ấy. Mà thế thì hơi buồn!
Vì thế, tôi tự ban cho bản thân cái đặc quyền làm người khác vui. Và càng lớn lên, khi não bộ càng phát triển, tôi hiểu nụ cười có sức mạnh lớn lao ra sao, là phương thuốc bổ thế nào, và nụ cười còn tượng trưng cho hạnh phúc. Hạnh phúc, 2 từ đắt đỏ, là một khái niệm mà không phải ai cũng có đủ kinh nghiệm để diễn tả, và phác thảo. Ước mơ tôi là đem lại nụ cười cho thế giới, và nếu tôi thật giỏi, thì nụ cười sẽ hóa thành hạnh phúc.
Khó hiểu nhất, vẫn là chuyện người cản trở ta đến với giấc mơ, thường thường lại là người ở gần, và thân thương với ta nhất
Tôi vẫn thường mơ, lớn lên rồi tôi sẽ mở một cái nhà hàng. Sáng bán bánh và cafe, tối đến biến thành một quán ăn nho nhỏ, để người ta đến và đem về được chút hạnh phúc. Tôi vẫn mơ nhà hàng tôi sẽ chả có tường mà bao quanh là kính. Bởi tôi muốn ngồi ở ngoài, hút điếu thuốc, hớp miếng trà, và ngắm. Ngắm người ta vui vẻ ăn uống cười nói. Ngắm người ta xúy xoa ăn ngon, trầm trồ trước tài nghệ của nhà bếp. Ngắm lũ trẻ cười nói, tán tụng. Ngắm chàng trai ngượng ngùng cầu hôn, cô gái hạnh phúc nói “được anh ạ”. Ngắm cha mẹ hạnh phúc ngắm cậu con trai ăn uống ngon lành, ước mơ khi nó lớn, nó cũng hạnh phúc như họ lúc ấy. Ngắm người ta cười, khóc, vui, buồn. Ấy, ấy là ước mơ tôi.
Bố bảo tôi chẳng có tài kinh doanh. Mua rau mua quả còn mua đắt, đầu óc chẳng thông minh. Tại sao lại đem mớ tiền của mình, xây một cái hộp, để mấy cái ghế cái bàn vào trong, thuê thêm một “thằng đầu bếp” rồi mong ước người ta sẽ nhộn nhịp kéo đến, và đưa tôi tiền. Nhưng bố cũng bảo, nếu nó là ước mơ tôi, thì tôi hãy cứ bước, còn nếu xảy chân ra đấy, sẽ chẳng ai có thể giúp tôi được.
Mẹ cũng có mơ ước. Mẹ mơ ước con trai mẹ lớn lên trông bóng bẩy sạch sẽ. Sáng sớm cắp ca táp ra đường, leo lên cái ô tô mẹ mua, lái một lèo đến cơ quan rồi 5h chiều cắp ca táp về. Hai ba năm nữa lấy cho mẹ một cô con dâu, đẻ cho mẹ đứa cháu, rồi thì muốn làm gì thì làm. Nói vậy thôi, chứ gia đình vợ con rồi, làm sao mà có thể điên rồ tuổi trẻ được nữa! Mẹ biết thừa. Nhà hàng á, nó nhỏ nhoi, và tầng lớp dưới quá. Con trai mẹ, phải hơn thế!
Nói ra thì cũng đúng. Bởi nếu bạn là ước mơ, thì bố mẹ là thực tại. Nếu bạn đẹp, thơm, bóng bẩy, nhiều người mong muốn có được, thì bạn là ước mơ. Bố mẹ, già rồi, kinh nghiệm hằn lên mặt, nước da nhăn nheo, chẳng hề hấp dẫn, nhưng họ thật, và dù xấu xí, chua chát, họ vẫn là một phần của bạn, của ước mơ tôi.
“… Con ước một ngày con lớn, con sẽ không phải nghe lời bố mẹ nữa, và tự do làm điều con muốn…”
Đấy cũng là ước mơ! Bởi lớn lên, đi làm, người ta tự bị nhốt vào cái lồng thực tại, cái lồng trách nhiệm, cái lồng được xây dụng bới chính họ, và những người xung quanh họ. Họ nhốt bản thân vào đó, rồi chợt nhận ra cái lồng đấy thật vô tình lại để ngay trong ước mơ của mình, ngay giữa mảnh đất hạnh phúc đấy. Chìa khóa trong tay, nhưng mấy ai dám tra chìa vào ổ, mở tung cái lồng, và hối hả chạy ra khoảng không nhiều màu sắc kia để kiếm tìm hạnh phúc. Mà từ từ đã, hạnh phúc là gì, trông ra sao, và tìm ở đâu? Lúc đó, người ta sợ, và chạy tìm về cái lồng thân thuộc, tự nhốt mình vào và thở phào ngao ngán. Bởi kể cả tù túng và xấu xí, tất cả những gì họ có và từng có, đều ở trong cái lồng đấy; nó thân thuộc, và chắc chắn.
“Thế mới nói, kẻ thù lớn nhất của tôi, của cậu, của bạn, của anh ấy, cô ấy, ông ấy, bà ấy, chính bản thân của chính tôi, và họ. Đứng trước cái ngã ba đường ấy, những người bước đúng sẽ hạnh phúc và thành công. Những người đi sai sẽ vấp ngã, sẽ bầm dập, có người không dám bước tiếp và trở về tay không. Lúc đấy muộn quá rồi, cái lồng đã đóng lại, mà khóa, thì khi đi đã quên đánh mất. Những người đang ở bên trong, người thì thương, kẻ thì nghiệt ngã cười vào mặt kẻ đứng ngoài. “Sai lầm chưa, tủi nhục chưa, quay lại à, chả được đâu.”
À, đây là một đoạn tưởng tượng của tôi đấy, vì thực tại dạy rằng, trước khi làm gì đều phải suy tính, mà vì chắc ăn quen rồi, nên tính toán xong lại bị hèn, hèn nên chỉ dám nghĩ mà thôi.
Dũng cảm ơi, mày ở đâu??
Dũng cảm bước đi thì bị cho là ích kỉ, ở lại thì mãi không tìm được bản thân, hạnh phúc bản thân!
À đấy, mình phải hạnh phúc, vì mới có thể làm người khác hạnh phúc được!
Thế đấy!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét