Khi vào đến các vòng cuối của quá trình tuyển dụng, bạn sẽ đối mặt với các câu hỏi về lương bổng. Đưa ra mức lương mong muốn quá cao thì có thể sẽ không được nhận vào làm, còn nếu đề nghị mức thấp thì bạn cảm thấy không xứng tầm với khả năng của mình. Vậy mức lương như thế nào là hợp lý?
“Biết người biết ta”
Trước buổi phỏng vấn, bạn nên tìm hiểu về thị trường lương thực tế. Có thể tìm hiểu từ bạn bè, người thân, từ network của mình để biết thêm khoảng lương cho vị trí bạn đang ứng tuyển. Tuy nhiên, hãy thực tế! Cùng một vị trí, chẳng hạn kế toán trưởng, nhưng công ty nước ngoài sẽ trả khác công ty trong nước, ngành hàng tiêu dùng nhanh sẽ khác ngành dịch vụ, công ty tại Tp. Hồ Chí Minh hay Hà Nội sẽ có mức lương khác với các công ty tại khu công nghiệp.
Mục tiêu nghề nghiệp cũng là một yếu tố cần cân nhắc khi xác định mức lương mong muốn. Lương đóng vai trò như thế nào trong công việc mới mà bạn mong muốn? Bạn tìm việc vì muốn thử thách bản thân mình? Hay vì bạn muốn tăng thu nhập lên 30% - 50%?
Những thông tin này sẽ giúp bạn tự tin hơn, cảm thấy thoải mái hơn trước khi bước vào buổi phỏng vấn. Tôn Tử đã từng nói "biết người biết ta, trăm trận trăm thắng."
Trả lời bằng câu hỏi
Khi được hỏi “Bạn mong muốn mức lương bao nhiêu?”, nguyên tắc đầu tiên là bạn không nên trả lời ngay câu hỏi trên. Có nhiều yếu tố cũng quan trọng không kém so với lương và cần được cân nhắc. Đó chính là môi trường làm việc, chính sách phúc lợi, phụ cấp, cơ hội học hỏi, thăng tiến.
Những thông tin này giúp bạn có cái nhìn bao quát về mức lương bạn mong muốn và là những yêu tố bạn cần cân nhắc thiệt hơn khi thương lượng lương với NTD. Những câu hỏi bạn có thể hỏi như:
- Cơ hội để bạn học hỏi, phát triển và thăng tiến?
- Trách nhiệm công việc (kể cả khoản ngân sách bạn sẽ phải quản lý hoặc doanh số bạn phải chịu)?
- Số lượng nhân viên bạn sẽ quản lý (nếu có)?
- Những chương trình phúc lợi cho nhân viên?
Ngoài ra, khi đặt những câu hỏi này, bạn đã thể hiện sự nghiêm túc và quan tâm của bạn đối với cơ hội được làm việc với công ty. Điều đó sẽ ghi thêm điểm cho bạn. Nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao những ai thật sự quan tâm đến công việc, họ sẽ chia sẻ thêm những thông tin hữu ích giúp bạn có thể đưa ra một mức lương phù hợp.
Hãy để nhà tuyển dụng thay bạn trả lời
Nếu bạn thật sự chưa thể nghĩ ra một con số cụ thể về mức lương mong muốn, bạn cũng có thể áp dụng thuật "đi vòng". Nghĩa là bạn nên chuyển buổi nói chuyện theo một hướng khác rồi khéo léo quay trở lại vấn đề NTD đang hỏi. Hãy biến câu trả lời thành một cơ hội để giới thiệu thêm về định hướng của bạn cho nhà tuyển dụng. Một ví dụ cho câu trả lời của bạn: "Qua trao đổi với anh/chị, tôi thật sự rất thích môi trường làm việc của công ty cũng như những thử thách của công việc này. Tôi mong muốn trở thành một thành viên và đóng góp vào sự phát triển của công ty. Đối với tôi, cơ hội học hỏi và phát triển để trở thành một kế toán trưởng trong vòng ba năm tới cũng như môi trường làm việc thân thiện, cởi mở là điều tôi quan tâm nhất hiện tại. Và thật sự tôi nghĩ đây chính là một cơ hội dành cho mình. Nếu có thể, anh/chị vui lòng cho tôi biết mức lương dành cho vị trí này?".
Trong trường hợp này, câu trả lời của nhà tuyển dụng có thể rơi vào một trong hai trường hợp sau: NTD sẽ tiết lộ khoảng lương của vị trí này cho bạn hoặc họ sẽ khéo léo từ chối bằng cách: “Mức lương cho vị trí này sẽ thay đổi phụ thuộc vào kinh nghiệm, kỹ năng của ứng viên. Bạn cứ đề nghị mức lương bạn mong muốn để chúng ta có thể cùng đi đến một mức lương mà cả hai bên đều hài lòng.”
Nếu rơi vào trường hợp đầu tiên: NTD tiết lộ khoảng lương của vị trí đang tuyển
Bạn hãy cân nhắc xem mức lương này có phù hợp với mong muốn của mình hay không bằng cách xem xét những yếu tố về môi trường, khả năng thăng tiến… để có thể đưa ra quyết định: chấp nhận hay thương lượng tiếp.
Trường hợp thứ hai: NTD muốn bạn đưa ra mức lương mong muốn trước.
Nếu bạn cứ vòng vo, họ sẽ đánh giá bạn thiếu hợp tác. Bạn cũng đang băn khoăn không biết mức lương mình muốn quá cao hay quá thấp?
Thông thường NTD sẽ hỏi bạn về mức lương mà bạn mong muốn trước. Để có được mức lương cao nhất, bạn nên tự tin đưa ra mức lương cao nhất mà bạn nghĩ NTD có thể trả dựa trên những thông tin mà bạn đã thu thập được. NTD sẽ không trả cho bạn mức lương cao hơn giá trị của chính bạn. Vì vậy, nếu bạn mong muốn mức lương trong khoảng 6-8 triệu một tháng, hãy mạnh dạn đưa ra con số 8 triệu ngay từ đầu. Có 3 trường hợp có thể xảy ra:
Trường hợp 1
NTD sẽ đồng ý với mức lương mà bạn đưa ra. Trường hợp này quá hoàn hảo vì cả 2 bên đều đạt được điều mình mong muốn ngay trong bước thảo luận đầu tiên.
Trường hợp 2
NTD sẽ đưa ra một mức thấp hơn mức mà bạn đã đưa ra nhưng vẫn nằm trong giới hạn mong muốn của bạn (ví dụ là 7 triệu). Trong trường hợp này, bạn vẫn có thể “hạ giá” xuống 7 triệu để vừa làm NTD hài lòng vừa đạt được mức lương trong khoảng mong muốn.
Tuy nhiên, bạn cũng cần nói rõ lý do tại sao bạn chấp nhận mức lương thấp hơn. Đó có thể là vì môi trường làm việc chuyên nghiệp, có nhiều cơ hội học hỏi thăng tiến. Hay vì bạn thật sự rất yêu thích công việc này và thấy rằng đây là cơ hội để bạn đóng góp và phát triển bản thân lâu dài. Hãy đưa ra lý do dựa trên mục tiêu nghề nghiệp của bạn và những thông tin mà bạn đã thu thập trước đó về môi trường làm việc, chính sách phúc lợi, phụ cấp, cơ hội học hỏi, thăng tiến. NTD sẽ thấy rằng bạn có sự suy nghĩ thấu đáo và cân nhắc kỹ càng cho sự nghiệp lâu dài của mình, bạn không vì lợi ích trước mắt mà bỏ qua những cơ hội thực sự dành cho bạn.
Trường hợp 3
NTD sẽ đưa ra một mức lương thấp hơn mức mà bạn mong đợi và nằm dưới cả giới hạn thấp nhất trong khoảng mà bạn mong muốn (ví dụ là 5 triệu). Trong trường hợp bạn thật sự yêu thích công việc này, hãy mạnh dạn đặt câu hỏi tại sao NTD lại đưa ra mức lương thấp hơn so với mức bạn đã tìm hiểu. Dựa vào câu trả lời của NTD, bạn có thể thương lượng để đi đến một kết quả có lợi cho cả đôi bên:
• Mức lương đưa ra là do vị trí: Đây có thể là mức cao nhất NTD có thể trả cho bạn trong vị trí này. Nếu bạn tin mình có thể đảm nhận nhiều công việc hơn, đóng góp nhiều hơn cho công ty và phù hợp với vị trí cao hơn, hãy hỏi NTD về việc thay đổi vị trí công việc dành cho bạn.
• Mức lương đưa ra dựa vào kinh nghiệm của bạn trong vị trí này: Có thể NTD chưa nhận thấy bạn có nhiều kinh nghiệm trong vị trí này hoặc vẫn còn thiếu một số kỹ năng cần thiết. Đây là một trường hợp khó và có thể đòi hỏi bạn quay lại những bước đầu tiên để chứng minh và thuyết phục NTD thấy được khả năng đáp ứng của mình cho vị trí này tốt như thế nào.
• Mức lương chỉ có thể tăng dựa trên thành tích: Mặc dù khả năng và kinh nghiệm của bạn thể hiện trên hồ sơ rất tốt, nhưng NTD cần thấy rõ kết quả công việc thực tế đối với vị trí này trước khi quyết định trả cho bạn mức lương cao hơn. Trong trường hợp này, bạn hãy yêu cầu được xem xét lại lương sau khi thử việc, và sau đó tận dụng thời gian thử việc để chứng tỏ khả năng của mình.
Ai cũng mong muốn có được một mức lương cao, tuy nhiên cũng đừng chỉ chú tâm đến lợi ích của mình mà quên đi lợi ích của NTD - chữ win thứ 2 trong kết quả “win-win”. Bạn cần đàm phán sao cho khi kết thúc cuộc đàm phán, không chỉ bản thân bạn cảm thấy vui vẻ để bắt đầu công việc mới, mà NTD cũng hài lòng khi họ đã tuyển được bạn. Để giúp NTD cảm thấy hài lòng, bạn cần chú ý những điểm sau:
• Thể hiện cho NTD thấy mục tiêu của bạn là có một mức lương hợp lý nhất dựa vào khả năng đóng góp của bạn cho công ty, chứ không phải trả giá để có được mức lương cao nhất có thể cho bản thân mình ngay tại thời điểm đó.
• Thể hiện cho NTD thấy lương là một yếu tố rất quan trọng, nhưng không phải là quan trọng nhất trong quyết định của bạn khi gia nhập công ty. Để thể hiện điều này, bạn cần cho NTD thấy được đam mê và sự hào hứng của mình dành cho công ty và công việc mà bạn đang ứng tuyển ngay từ vòng phỏng vấn đầu tiên, đồng thời không ngần ngại chia sẻ thắc mắc của mình về con đường sự nghiệp và cơ hội phát triển lâu dài tại công ty trong vị trí này trong quá trình đàm phán.
Chúc bạn đạt được mức lương mong muốn!
dễ dàng học các kỹ năng căn bản tại kynangcanban.blogspot.com
0 nhận xét:
Đăng nhận xét