Cuộc sống cứ vội vã trôi đi với những lo toan cơm áo gạo tiền, làm con người ta trở nên thực dụng và toan tính hơn. Ừ thì cuộc sống phải thế, bởi có ai sống mà ăn không khí bao giờ? Nhưng có những món ăn không dùng để nuôi sống thể xác, mà nuôi sống tinh thần.
Mỗi người chúng ta sinh ra và tồn tại trong cuộc sống này đều vận động. Bất cứ sự vận động nào dù hình thức có khác nhau nhưng chung quy lại cũng chỉ để sống, và duy trì sự sống. Nhưng sống thế nào?
Mỗi người đều có quyền lựa chọn cho mình một cách sống, một cách cảm nhận trước tất cả những gì cuộc sống mang đến. Có thể sống tích cực và cũng không loại trừ khả năng tiêu cực. Nhưng trong một khoảng khắc nào đó, mỗi chúng ta đều phải “ngừng lại để lắng nghe”, nhìn lại những gì đã trôi qua trong cuộc đời mình. Bất cứ điều gì diễn ra xung quanh ta đều có thể cần ta lắng nghe. Vì tinh thần không vận động một cách vội vã và thực dụng như thể xác, nó vận động trong tĩnh lặng và không theo bất cứ một quy luật nào.
Ngừng lại để lắng nghe!
Nghe một tiếng khóc, khiến ta suy tư, nghe một tiếng cười làm ta thanh thản. Nghe tiếng mưa rơi ngoài hiên, thấy mình mong manh, nhìn lại một bức ảnh ngày xưa của Mẹ mà dâng trào yêu thương.
Ngừng lại để lắng nghe!
Để nhìn thấy nụ cười trong sáng của một đứa trẻ, làm ta trở nên tinh khôi hơn khi nhớ về một thời thơ bé đã qua. Để ngắm chiếc lá vàng chao rơi trong chiều thu khiến ta giật mình cho một đời người rồi cũng sẽ “về với cội”. Để nghe một bản hoà tấu về đêm, âm thanh da diết trầm bổng, như muốn xoáy lòng người về một nỗi niềm. Để đứng lặng nhìn một bức ảnh, cảm thấy lòng mình trở nên thênh thang hơn…
Ngừng lại để lắng nghe!
Để khi sải những bước chân tư lự trên một con đường vắng, tự nhiên lòng chợt nghĩ về ấm áp của một bàn tay, để có khi nhìn màn đêm buông xuống, thấm trong lòng sự gặm nhắm của cô đơn. Để khi nhìn ánh nắng lung linh của buổi sáng chiếu qua khoé mắt, thấy tràn trề hy vọng cho ngày mới, để nghĩ về những giây phút trôi qua của cuộc sống, thấy nuối tiếc nhưng không muốn đứng lại…
Ngừng lại để lắng nghe
Ai trong chúng ta lại không có những lúc “ngừng lại để lắng nghe”? “Nghe” không phải để tìm cảm giác thăng hoa của một nghệ sĩ, hay mang đầy tính triết lý của một nhà tư tưởng, hay cái ngông sáng tạo của một nhà văn, mà đơn giản, chỉ là “nghe” những cái rất con người và rất đời thường.
Ta lắng nghe một quá khứ đã trôi qua, và lắng nghe hiện tại mà ta đang sống. Chỉ có những khi “ngừng lại lắng nghe”, ta mới nhìn sự việc bằng một đôi mắt khác, một đôi mắt không bị chi phối bởi vật chất, hay cảm xúc lí trí. Lúc đó, ta nhìn bằng một đôi mắt biết chia sẻ, một tâm hồn rộng mở và một trái tim biết yêu thương tha thứ.
Chẳng ai trong chúng ta sống mà không cần có những người khác xung quanh, không cần được chia sẻ. Vậy mới thấy đời sống tinh thần trở nên quan trọng và cần thiết tới mức nào! Tất cả những cảm xúc và những cung bậc khác nhau của tình cảm, với món ăn tinh thần cụ thể khác đều là mạch nguồn để duy trì đời sống tinh thần. “Ngừng lại để lắng nghe” cũng là một cách làm cho đời sống tinh thần của ta ý nghĩa hơn!
Hãy lắng nghe, lắng nghe theo cách của riêng mình. Bởi cuộc sống cần lắm những giây phút “ngừng lại để lắng nghe”, đó là lúc ta truyền thêm “máu”, thêm “đạm”, thêm “nước”, thêm “vitamin” cho tâm hồn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét