Giao tiếp như mạch máu thông suốt và gắn kết mọi quan hệ phát sinh trong xã hội loài người. Giao tiếp gắn với mỗi người từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi và có ảnh hưởng tích cực đến các mối quan hệ trong công việc và trong cuộc sống nói chung. Giao tiếp tốt là một trong những điều kiện tiên quyết mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm ở các ứng viên cho các vị trí quản lý doanh nghiệp. Phát triển kỹ năng giao tiếp là cần thiết không chỉ đối với sinh viên đang ngồi trên ghế giảng đường mà còn giúp cho họ tự tin hơn khi bước vào công việc.
Học kỹ năng thuyết trình có nhiều lợi ích như : Học được cách nói trước đám đông, học các kỹ năng áp dụng trong hội thoại, phát triển kỹ năng giao tiếp khi tham gia tuyển dụng, có cơ hội thực hành, tích lũy kinh nghiệm và có thêm sự tự tin. Thuyết trình được coi là một trong những hoạt động khó nhất trong cuộc sống. Một khi bạn đã làm quen với thuyết trình, chắc hẳn bạn sẽ tự tin hơn khi đối diện với nhiều lĩnh vực khác, thậm chí sẽ cho bạn khả năng đối mặt với thử thách tốt hơn.
Để thuyết trình thành công, bạn phải là người làm chủ mọi tình huống và cần phải chú ý một số vấn đề sau :
Đến sớm để chủ động về thời gian, kiểm tra địa điểm, không gian, vị trí đứng khi thuyết trình, chỗ ngồi của thính giả (người nghe) cùng với những thiết bị hỗ trợ nếu có. Đồng thời có thể làm quen với người nghe. Chào một vài người khi họ đến. Nói chuyện với một nhóm bạn chắc chắn sẽ dễ hơn với những người xa lạ.
Thuyết trình là một kỹ năng cần thiết mà mỗi sinh viên cần phải rèn luyện |
Khi nói chuyện trước đám đông, bạn như một diễn viên đang diễn trên sân khấu. Bạn được nhìn nhận như thế nào là rất quan trọng. Hãy ăn mặc phù hợp với nội dung, không gian và đối tượng thuyết trình. Trông phải thoải mái, nhiệt tình, hãnh diện, tự tin nhưng không tự kiêu. Giữ bình tĩnh, cố tỏ vẻ thoải mái dù bạn có căng thẳng đến mấy. Nói chậm, phát âm rõ, biểu lộ cảm xúc hợp lí với những điều bạn trình bày. Thiết lập mối liên hệ với thính giả. Cố gắng nói đủ lớn để người ngồi xa nhất cũng có thể nghe thấy. Thường xuyên thay đổi âm điệu của bạn và kịch tính hoá nếu cần thiết. Nếu dùng mic, hãy điều chỉnh mic và giọng nói cho phù hợp.
Ngôn ngữ cơ thể rất quan trọng. Thính giả thích bạn đứng, đi lại hay di chuyển với cử chỉ và nét mặt biểu cảm hơn là ngồi ì một chỗ, cúi đầu dán mắt cặm cụi đọc một bài diễn văn đã được chuẩn bị từ trước.
Nói một cách thuyết phục như thể chính bạn thực sự tin vào những gì bạn đang nói. Nội dung bạn đưa ra cũng nên có những phần giống như trong một tài liệu nghiên cứu, cụ thể là trình tự logic từ mở bài (đưa ra luận điểm) đến thân bài (luận điểm chặt chẽ, thông tin chính xác và mới nhất) tới kết luận (nêu lại luận điểm, tóm tắt và kết luận hợp lý).
Không nên nhìn giấy quá lâu, nhưng thỉnh thoàng liếc qua thì chấp nhận được. Nói dõng dạc, rõ ràng và tự tin. Không được lí nhí. Nếu bạn mắc lỗi, sửa, và tiếp tục. Không cần phải viện cớ này nọ hay xin lỗi rườm rà.
Dùng mắt tiếp xúc với khán thính giả một cách thân mật. Sử dụng phương pháp 3 giây, ví dụ: nhìn thẳng vào mắt một vị thính giả trong vòng 3 giây. Trao đổi bằng mắt trực tiếp với một số người trong đám đông, và thình thoảng liếc qua toàn bộ khán giả khi đang nói. Việc nhìn vào ai đó khiến họ cảm thấy họ đang thực sự tham gia vào nội dung, vấn đề mà bạn đang trình bày.
Nhớ rằng giao tiếp là chìa khoá của một buổi nói chuyện thành công. Nói chuyện với khán giả, lắng nghe câu hỏi, đáp lại phản ứng của họ, điều chỉnh và thích nghi. Nếu những gì bạn chuẩn bị hoàn toàn không thể làm cho người nghe hiểu, hãy tùy cơ ứng biến thay đổi kế hoạch nếu bạn đã lường trước được điều này. Nếu bạn thiếu thời gian, nên biết phần nào có thể bỏ qua. Nếu bạn thừa thời gian, nên biết thông tin nào cần bổ sung để bài thuyết trình hiệu quả hơn. Hãy luôn chuẩn bị và xử lý linh hoạt cho những tình huống đột xuất.
Cần có khoảng thời gian tạm dừng để chính bạn và thính giả có một chút thời gian để suy nghĩ và nghiền ngẫm. Đừng trình bày vội vã kiến người nghe cũng như chính bạn có cảm giác hết hơi mệt sức.
Thêm chất hài hước vào những thời điểm phù hợp, một cách có chừng mực. Giữ sự quan tâm của khán giả trong suốt bài thuyết trình. Hãy nhớ rằng, cho dù được thực hiện trong cùng một khoảng thời gian, một bài diễn văn thú vị làm thời gian trôi vùn vụt, nhưng nếu nó tẻ nhạt thì quả là một cực hình đối với người nghe.
Nên biết thời điểm ngừng diễn thuyết. Sử dụng đồng hồ bấm giờ để tính thời gian khi bạn tập dượt ở nhà. Khi kết thúc bài thuyết trình, tóm tắt những ý chính giống như khi viết phần kết của một bài thuyết trình. Tuy nhiên hãy nhớ rằng, có một sự khác biệt giữa những từ trong văn nói và những từ trang trọng trong văn viết. Dừng bài thuyết trình với một nhận định thú vị hay một nút thắt phù hợp với vấn đề. Hãy lưu lại trong lòng người nghe một ấn tượng tốt và cảm giác hoàn hảo. Không giảng giải dông dài những nhận định cuối ấy. Cảm ơn họ và ngồi xuống.
Như vậy, để thuyết trình thành công không phải là điều đơn giản như chúng ta nghĩ nhưng cũng không quá khó nếu chúng ta thường xuyên luyện tập và chú ý những vấn đề nêu trên.
Chúc các bạn thành công trong các bài thuyết trình nói riêng và trong cuộc sống nói chung.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét