1. Công ty của bạn đang đi xuống
Kinh tế khủng hoảng, việc buôn bán đã và đang ngày càng trở nên khó khăn hơn, bạn bị nợ lương đã lâu, bạn bị cắt giảm thưởng, bạn bị giảm các khoản phúc lợi... bạn phải nhận thức được điều gì đang diễn ra đối với công ty của mình. Nếu công ty của bạn đang ở trong một vòng xoáy đi xuống, có thể đã đến lúc bạn phải nhanh chóng rút lui trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn.
2. Bạn cảm thấy tẻ nhạt
Một công việc lặp đi lặp lại kiểu sáng sáng đến công ty với số má, dữ liệu, chiều với họp hành, chỉ trích, khách hàng phàn nàn... tối về nhà chỉ có nước lăn ra ngủ và sáng hôm sau bạn lại bắt đầu công việc tương tự?
Năm qua, tháng lại, 1 tết, 2 tết, rồi 3 tết...
Nếu bạn không còn nhận thấy sự thử thách trong công việc, có thể công việc đó chỉ còn là một sự chịu đựng đối với bạn. Đây có lẽ là lúc để bạn “đoạn tuyệt” với công việc hiện tại và tìm một công việc mới, có thể là ngay trong cùng công ty hoặc ở một công ty khác. Bạn nên xem xét có một cuộc trao đổi chuyên nghiệp và mang tính tìm kiếm giải pháp với sếp để thoát ra khỏi tình trạng này.
3. Mức độ học hỏi từ công việc ngày càng suy giảm
Sự phát triển chuyên môn là yếu tố quan trọng trong sự nghiệp của bạn. Nếu công việc của bạn không còn dạy bạn những điều mới, có lẽ đó là lúc bạn nên tìm việc khác. Phát triển chuyên môn là một phương diện ích lợi của thành công trong sự nghiệp và cần phải được xem xét khi bạn tìm kiếm một công việc mới.
4. Sức khỏe của bạn suy giảm vì công việc
Chịu đựng sức ép, những lo toan và sợ hãi lớn trong công việc có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài đối với sức khỏe của bạn. Những buổi nhậu nhẹt thường xuyên và liên tục khiến sức khỏe của bạn suy giảm, bạn không còn nhiều thời gian để chơi thể thao, đi dạo hay thậm chí là chăm sóc bản thân và lập gia đình... Những công việc tồi tệ thường đem đến tất cả những yếu tố này, khiến bạn căng thẳng và mệt mỏi mỗi ngày. Về thể chất hay tinh thần, sự bào mòn sức khỏe không phải là điều mà bạn nên cố gắng chịu đựng để theo đuổi công việc.
5. Bạn tìm ra được thứ gì đó mới
Đôi khi, những cơ hội nghề nghiệp mới có thể xuất hiện ngoài dự đoán của bạn. Mọi chuyện ở công ty mới không phải chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn, nhưng đây là kịch bản tốt nhất trong trường hợp bạn tính chuyển việc.
6. Bạn có những giấc mơ xấu về công việc hiện tại
Những người có sự đầu tư sâu vào công việc thường có xu hướng có những giấc mơ liên quan tới công việc của mình. Tuy nhiên, nếu đó là những giấc mơ xấu lặp đi lặp lại thì đó là một dấu hiệu cho thấy bạn đang rơi vào khủng hoảng với công việc và bạn cũng nên tính tới chuyện tìm một công việc khác.
7. Sâu thẳm bên trong bạn muốn chuyển việc
Tin tưởng vào bản thân mình là yếu tố quan trọng để từ bỏ thành công một công việc không ra gì. Nếu bạn thực sự tin là mình sẽ hạnh phúc hơn với một công ty khác hoặc một vị trí khác, đó là lúc bạn nên chuyển việc. Đừng cố gắng bám trụ với công việc hiện tại nếu sâu thẳm bên trong bạn không còn muốn gắn bó với nó nữa.
8. Bạn và công ty của bạn không có cùng những giá trị cốt lõi
Sự tương đồng về giá trị cốt lõi giữa bạn và công ty là điều cần có cho sự gắn bó lâu dài giữa đôi bên. Nếu công ty hiện tại không có cùng tầm nhìn và giá trị như bạn mong muốn, bạn nên tìm đến một công ty khác có chung những yếu tố này như bạn.
9. Bạn mất phương hướng về mục tiêu nghề nghiệp
Dù lớn hay nhỏ, những mục tiêu mà bạn đặt ra cho sự nghiệp của mình là vô cùng quan trọng. Không khó để bạn nhận ra mình đã làm một công việc lâu hơn dự kiến và hoàn toàn không đi theo mục tiêu bạn ban đầu. Hãy bỏ ra đôi chút thời gian để đánh giá lại và tìm kiếm một công việc mới đưa bạn trở về với con đường hướng tới mục tiêu mà bạn đề ra.
10. Bạn bị đối xử tệ
Không có lý do gì để bạn chấp nhận việc bị bắt nạt, bị quấy rối tình dục, hoặc bất kỳ một hành vi đối xử tệ hại nào khác ở nơi làm việc. Hãy đánh giá tình trạng hiện nay của bạn và trao đổi vấn đề với bộ phận nhân sự. Đừng sợ chuyện phải rời một công việc mà ở đó bạn đang bị đối xử tệ.
Việc đạt tới những mục tiêu nghề nghiệp thường đồng nghĩa với đưa ra những quyết định quan trọng liên quan sự hài lòng của bạn đối với công việc hiện tại. Hãy sử dụng dấu hiệu nói trên để quyết định xem có nên tìm đến một công việc mới hay không.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét