1- Chuẩn bị hồ sơ: Như các bạn đã biết PGBank đề nghị các ứng viên điền vào mẫu đơn xin việc theo chuẩn của PGBank và email/gửi bưu điện/nộp trực tiếp đến PGBank. Là người có dịp đọc khá nhiều hồ sơ ứng viên, xin có vài lời khuyên hữu ích để hồ sơ bạn qua được vòng loại đầu tiên (mà chả cứ ở PGBank, các nơi khác cũng gần như vậy thôi):
- Với những vị trí ở bậc 1, 2, 3(Giao dịch viên, nhân viên quan hệ khách hàng, kiểm soát viên, trưởng quỹ) có tới cả trăm hồ sơ được gửi đến cho một vị trí. Bộ phận tuyển dụng dù rất muốn cũng không thể phỏng vấn hết tất cả mà bắt buộc phải loại bớt để có shortlist phỏng vấn. Làm thế nào để hồ sơ của bạn lọt qua vòng loại hồ sơ này?
+ Một bộ hồ sơ viết tay chỉn chu, chữ dễ đọc và trình bày mạch lạc bao giờ cũng ấn tượng hơn là typing và in laze (màu chăng nữa) vô hồn. Nếu chữ bạn xấu quá (vấn nạn của việc phổ cập bút bi từ tiểu học), không sao – chuyện thường ngày ở VP5, nhưng hãy in hồ sơ bằng giấy trắng loại tốt, cắt ảnh vuông vắn và dán ngay ngắn vào khung trên hồ sơ. Bạn nghĩ sao khi cầm một hồ sơ giấy in nhọ nhem, ảnh dán thậm chí còn chẳng đủ hồ. Khi bạn không tôn trọng chính hình ảnh của mình thì tại sao lại yêu cầu người khác phải để tâm đến bạn!
+ Phần quá trình làm việc: xin hãy trung thực với những thông tin về những nơi làm việc trước đây vì trong môi trường Bank việc tham chiếu thông tin của người này, người kia là chuyện dễ như thò tay vào ví lấy ra mấy tấm thẻ ATM. Lời khuyên nhỏ là đừng bao giờ chê nơi làm việc cũ và những người nhảy việc với nhịp điệu Cha cha cha chưa đến một năm một Job thì thường ít được ưng hơn ai lả lướt Rumba. Mục thông tin của “Công việc hiện tại gần đây nhất” được chú ý hơn cả, nên dành thời gian wording cho mục này thay vì băn khoăn “lương nhiêu nhỉ”.
+ Trong hồ sơ có 2 mục ứng viên thường chủ quan nhưng người tuyển dụng qua đó có thể đánh giá sơ bộ về mức độ nghiêm túc và khả năng trình bày vấn đề của có-thể-sắp-là-đồng-nghiệp: lý do muốn làm việc cho P, nguyện vọng nghề nghiệp/mục tiêu phấn đấu bằng tiếng Anh. Không gì chán bằng đọc những câu khuôn mẫu kiểu đây là ngân hàng mới, có nhiều cơ hội phát triển, cổ đông là các công ty lớn… hay nhưng đoạn tiếng Anh ngọng níu-nô. Hãy tự tách mình ra khỏi đám đông bạn nhé, đi tìm việc không phải là lúc hát-đồng-ca.
Hồ sơ bạn đã chuẩn bị hòm hòm, giờ là lúc làm sao để bộ hồ sơ này đến được địa chỉ cần đến: Bộ phận tuyển dụng của PGBank (VP5 nếu bạn ở miền Bắc, và Phan Xích Long nếu bạn ở miền Nam).
2. Chuẩn bị phỏng vấn: Không ai có thể phủ nhận sự tiện lợi của email trong công việc; nhưng cũng như thuốc Tây mà lạm dụng thì hãy cẩn thận với hiệu ứng phụ nhẹ thì buồn ngủ, nặng thì tăng xông tim đập như trống trường. PGBank đang dùng chung domain của Petrolimex nên chuyện thi thoảng hệ thống mail bị trục trặc vài ngày, hay down hẳn vì những lý do kiểu “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” vẫn xảy ra. Lại có khi bạn email gửi đến pgbank.tdmb@petrolimex.com.vn nhưng… quên attached file chẳng hạn hoặc attached đấy nhưng máy tính của bạn nhiễm virus nên file đính kèm sẽ được hệ thống của Mr. Dragon tự động xóa trong khi bạn vẫn tin rằng email đã gửi, ta bèn ung dung ngồi nhâm nhi cốc sữa chu đánh đá hay ly nâu nóng mơ màng đang … in-tơ-viu ở đoạn “nếu được chọn, anh/chị cần bao lâu để có thể bắt đầu đi làm”.
Nộp trực tiếp hồ sơ đến PGBank kể cũng ngại, nhất là những hôm nắng lửa/mưa dầm, chưa kể như vài bạn trên này “chua” cảnh gặp mấy bạn lễ tân VP5 nhưng nếu không quá bận hay đi lại khí xa thì ghé qua nộp trực tiếp để có cái cảm nhận PGBank là viết tắt từ Petrolimex Group Bank hay Phở Gà Bank hay … Promotion Girls Bank chẳng hạn nó dư-nào cũng là một trải nghiệm không phải là vô ích. Gửi qua bưu điện ư, cũng được nhưng nếu thả thùng thư với tem 2.000 VNĐ thì đến như bác Đỗ Trung Tá hồi làm CEO VNPT ở Nguyễn Du nhân giờ nghỉ trưa xuống dưới cái bưu cục gần đấy hỏi mua đâu như tờ báo hay bộ tem thư thấy nhân viên đang lim dim trong giờ cáu quá nghiến răng “tôi Tá đây” thì được ngay câu “Tá thì cũng phải chờ đến chiều”. Hãy gửi bằng đường thư Phát chuyển nhanh đi bạn, đâu khoảng gần hai chục nghìn đồng gì đấy, ta nhịn 1 cốc cà phê cũng được mà !!! Sao phải ngại khi bạn ghi thêm mấy chữ: “Hồ sơ xin ứng tuyển vào vị trí ABC ABC, vui lòng chuyển giúp đến bộ phận tuyển dụng, cảm ơn!” vào cuối phong bì. Tôi tin là khi nhận được những phong bì kiểu này thì chẳng có lý do gì mà lễ tân khi nhận được lại xếp nhầm thư chuyển sang cho Tác nghiệp hay Kiểm toán nội bộ đâu.
“Tôi có người quen ở PGBank, nhờ nộp hồ sơ hộ có … thêm tí value added nào không?”. Câu trả lời là … hình như không ngoại trừ hồ sơ sẽ được đưa đến tầng trệt VP5 nhanh hơn qua đường thư thường (nếu người được nhờ không quên, thêm cái này làm điều kiện đủ). “Em vừa tốt nghiệp, chưa có kinh nghiệm làm việc, liệu PGBank có nhận người chưa có kinh nghiệm vào không?” Trả lời cái rụp: trên trái đất này làm gì có sẵn đường, đường chẳng qua do người ta đi mãi mà thành, warmly welcome, nhưng hãy tự biết đường xa nương sức ngựa. “ Em học cao đẳng thôi, có bị loại ngay từ vòng gửi xe không ạ?”. Ố kề, nhiều bạn giao dịch viên rất cứng cũng chỉ học xong cao đẳng thôi mà, miễn là học thật chứ không phải học giả bằng thật. “Em gửi hồ sơ rồi sao mãi không thấy hồi âm?” – nếu bạn tự tin mình qualified, hãy gọi điện thẳng đến bộ phận tuyển dụng nhã nhặn trình bày, tôi (lại) không nghĩ rằng mấy bạn phụ trách phần việc này máy móc đến mức không nghe hết những gì bạn nói.
“Chào bạn, mình là …. ở Ngân hàng PGBank, bên mình đã nhận được hồ sơ của bạn nộp cho vị trí …., bạn có thể thu xếp đến phỏng vấn vào ngày …. tại …. được không?”. Chúc mừng, cửa đã mở nhưng để trở thành một thành viên của PGBankers thì ít nhất bạn phải nhận được 2 lần điện thoại “chào bạn, mình là… ở bộ phận tuyển dụng” nữa. Làm gì có đường nào bằng phẳng, trải đầy hoa hồng trên thảm đỏ, phải không?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét