Có bao nhiêu câu chuyện được kể đi kể lại rất nhiều lần mà người nghe vẫn không hề thấy chán ?
... đó chỉ có thể là những câu chuyện ... ngày xưa...
Trẻ con bây giờ nhiều đứa đầy đủ quá nên không có cảm giác khao khát như chúng tôi của ngày xưa (một thế hệ 8X chưa phải là già, chưa phải là khổ nhưng cũng có rất nhiều điều để nhớ).
Hồi tôi bé, Việt Nam không có nhiều phim như bây giờ, trẻ con không trực chờ xem bông hoa nhỏ thì cũng không có nhiều sự lựa chọn, vì thế, những bộ phim thời ấy dường như để lại ấn tượng sâu sắc hơn trong những người như tôi (thế hệ 8X)
"Ê.... min............!!" là một trong những bộ phim như thế (ngày xưa tôi không nhớ tên bộ phim là gì, chỉ nhớ loáng thoáng câu mà 1 ông cụ trong phim hay hét lên khi tức giận là "Ê.... min............!!") sau này tôi có tìm lại bộ phim nhưng chỉ có thuyết minh tiếng Tiệp Khắc mà tôi thì chịu nên cũng không lưu (tôi là người có sở thích sưu tầm và lưu các bản phim cổ).
Sưu tầm truyện thì hóa ra tên của nó là “Lại thằng nhóc Emil!” của Astrid Lindgren. Trộm nghĩ, trong cuộc sống tất bật như hiện nay, và vào dịp cuối năm như thế này, có lẽ ta cũng nên tự thưởng cho mình đôi phút "tìm lại tuổi thơ" với câu chuyện về thằng nhóc Emil.
Tôi có đăng lại bản giới thiệu và bản dịch câu chuyện tại đây, hãy đọc nếu bạn có thời gian (hay đọc lại cho con cháu cũng được - chờ đến khi đài truyền hình chiếu lại chắc cũng "đến mùa quýt"):
Tải sách tại đây: .box.com/shared/trg6r7ig1n
Phần mềm hỗ trợ đọc file .prc: http://www.mobipocke...readersetup.msiGiới thiệu:
“Lại thằng nhóc Emil!” – đấy là câu nói cửa miệng của dân làng Lonneberga, tỉnh Smaland, Thụy Điển mỗi khi họ phát hiện ra một trò nghịch ngợm tai quái nào đó. Chẳng có ai ngoài thằng nhóc Emil ở trang trại Katthult có thể nghĩ ra những trò quái đản ấy.
Và mỗi khi bày trò nghịch ngợm, Emil lại bị bố phạt tới ngồi trong xưởng mộc của gia đình để suy nghĩ về những lỗi lầm mà nó gây ra. Bởi thế mà cái xưởng mộc lại trở nên thân quen với nó, đến nỗi giờ đây, chẳng cần ai phải nhắc nhở, nó đều tự động tới xưởng mộc mỗi lần nghịch ngợm, tìm cách giết thời gian bằng việc đẽo những hình nhân gỗ.
Lại nói về chuyện hình nhân gỗ, từ cái ngày Emil phải vào xưởng mộc lần đầu tiên đến bây giờ, số lượng hình nhân gỗ của nó đã lên tới con số hàng trăm...
Mỗi hình nhân gỗ tương ứng với một trò nghịch ngợm của Emil ra đời. Không hình nhân nào giống nhau, cũng như không có trò nghịch ngợm nào của thằng nhóc bị lặp lại bao giờ. Emil mắc đầu trong liễn súp, Emil treo bé Ida lên đỉnh cột cờ, Emil nhốt bố trong nhà vệ sinh, Emil làm náo loạn phiên đấu giá, Emil nhổ răng hàm cho cô Lina, Emil bỏ con ếch vào giỏ đồ ăn...
Những trò nghịch ngợm khiến bố nó tức điên và mẹ nó thở dài, còn dân làng Lonneberga thì tỏ ra thương hại ông bà Svensson tới mức họ phải tổ chức quyên góp tiền để gia đình đưa Emil... sang Mỹ.
Những trò nghịch ngợm dở khóc dở cười của Emil tuy làm mọi người tức điên nhưng lại chẳng làm hại đến ai bao giờ. Hẳn cả bố mẹ Emil và dân làng Lonneberga đều biết thế, nhưng là họ không nói ra đó thôi. Và giả sử nếu không có Emil ở đó, chắc là họ sẽ nhớ nó đến phát khóc mất.
Ai mà biết được cuộc sống sẽ ra sao nếu một ngày không còn ai phải giật mình khi thấy con ếch chui ra từ giỏ đồ ăn, không còn ai phải thét lên khi mọi người đang tiệc tùng đình đám thì bỗng nghe tiếng kính cửa sổ vỡ và một thằng nhóc lao đầu thẳng vào liễn súp, không còn tiếng quát tháo kinh hoàng của bố Emil và tiếng khóc nỉ non của mẹ nó...
Emil và những trò quái quỷ của nó đã trở thành một phần cuộc sống ở Lonneberga. Vả lại, cứ thử nhìn mà xem, đã có thằng nhóc nào ở độ tuổi nó có hẳn một con ngựa, một con Nhóc Lợn (mà thằng bé huấn luyện như thú cưng), một con gà mái què mắn đẻ và một bộ sưu tập hình nhân bằng gỗ chưa? Đấy là chưa kể những thứ đó, nó đều có được bằng chính sức của mình, bằng trí thông minh, sự láu lỉnh được phát huy đúng lúc, đúng chỗ.
Thêm vào đó, bên cạnh những trò nghịch ngợm của mình, Emil cũng làm được không ít những việc tốt như tổ chức tiệc giáng sinh cho những cụ già trong trại tế bần, dạy cho mụ Maduskan tham lam một bài học đích đáng hay một mình đánh xe ngựa đi giữa trời bão tuyết để cứu chú Alfred khỏi cái chết cận kề vì bệnh nhiễm trùng máu...
“Lại thằng nhóc Emil!” – tôi đoán rằng dân làng Lonneberga vẫn thích được nói câu đó hơn là không nói. Và, cứ thử đọc mà xem, nếu bạn không sợ cái chú nhóc Emil tinh nghịch đáng yêu ấy sẽ “chui tọt” vào trái tim mình và ở mãi trong đó chẳng chịu ra...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét