Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

“Cái thằng tôi” giá bao nhiêu?

Sáng ra nghe người ta nói, "bây giờ thất nghiệp đầy đường..." Nhân Viên Mới bỗng thấy buồn buồn chuyện sinh viên mới ra trường xin việc. Cũng từng là sinh viên, cũng từng chạy loăng quăng khắp nơi xin việc, mình tự cho rằng mình hiểu cái khó của những bạn sinh viên mới tốt nghiệp. Mình tốt nghiệp không bằng giỏi chưa được 1 tháng (nếu ai có lỡ nhìn cái bảng điểm chắc cũng XỐC luôn - không tệ hại, nhưng đầy bất ngờ) đi làm tại 1 công ty được 9 tháng, cũng coi như mình may mắn hơn nhiều người. 

Sáng nay, đọc câu chuyện của anh này, lại nghĩ đến lũ bạn ra trường cùng đợt, đang vùng vẫy ngoài kia... những người đang đi xin việc, ai cũng mong muốn 1 mức lương cao hơn, nhưng cao bao nhiêu, bao nhiêu là đủ. Các công ty Việt Nam sẽ đồng ý trả mức lương như thế nào? Tại sao các công ty nước ngoài lại đồng ý trả 1 mức lương cao cho 1 sinh viên ra trường chưa lâu? Kinh nghiệm có thực sự quan trọng? Khác biệt giữa làm việc trong công ty nước ngoài và Việt Nam là gì? Chắc mình còn cần tìm hiểu rất rất nhiều...

"Mình 5 năm đại học, tốn bao nhiêu cơm cha, áo mẹ, tôi mang cái bằng loại giỏi đi xin việc. Tất nhiên là tôi được nhận ngay dù không hề có kinh nghiệm.

Chủ doanh nghiệp bảo rằng nhận tôi vào để đào tạo vì với thành tích học tập như thế, tôi rất có “tiềm năng”.  Lương thử việc (thời điểm 2006) là 2 triệu đồng/ tháng. Tuy chẳng đủ xây xài nhưng tôi chép miệng: “Thôi kệ, coi như mình bỏ thêm thời gian, công sức để học hỏi kinh nghiệm, sau này tìm chỗ khác tốt hơn”.

Hết hạn thử việc, tôi được ký hợp đồng chính thức thời hạn 1 năm. Tiền lương tăng lên thành 2,5 triệu đồng mỗi tháng. Với mức tiền lương này, tôi phải gói ghém lắm mới đủ sống lây lất trong 1 tháng.

Được 3 tháng, thấy công việc nhiều, mình làm cũng tốt, nghe lời các chuyên gia tư vấn việc làm, tôi mạnh dạn đề xuất giám đốc tăng lương. Giám đốc hết sức thông cảm nhưng vì tình hình công ty đang khó khăn nên nhẹ nhàng: “Khả năng công ty chỉ có vậy, nếu em thấy chỗ nào tốt hơn thì có thể xin qua đó làm”. Tôi có hơi băn khoăn nhưng vì đã lỡ mở miệng đòi hỏi rồi, nếu tiếp tục làm việc thì cũng thấy khó nên quyết định nghỉ việc.

Tôi sang một công ty khác đang có thông báo tuyển dụng. Tất cả mọi yêu cầu của công ty, tôi đều đáp ứng, chỉ duy nhất 1 điều là “kinh nghiệm” thì tôi chẳng được bao nhiêu. Thế là tôi bị từ chối.

Sang công ty thứ hai, trong khi phỏng vấn, vị trưởng phòng nhân sự hỏi: “Trong hồ sơ anh ghi trước đây anh đã từng làm ở công ty T, tại sao lại không tiếp tục làm việc ở đó?”. Tôi thú thật là vì tôi muốn mức lương cao hơn.

Họ không nói gì nhưng mấy hôm sau tôi nhận được câu trả lời: “Xin lỗi, công ty đã tìm được người cho vị trí đó”. Nghĩ mãi tôi mới biết, người ta “dội” khi nghe tôi bỏ công ty cũ vì đòi hỏi mức lương cao.

Suốt một tháng trời, tôi ôm hồ sơ đi xin việc. Sau khi đã tiêu hết những đồng tiền cuối cùng mượn của thằng bạn, tôi quyết định: Đi làm phụ hồ. Bởi nếu không làm thì tôi sẽ chết đói bởi tôi không thể ngửa tay xin tiền của cha mẹ khi đã đường đường là một anh kỹ sư.

Tôi làm phụ hồ, tiền lương mỗi ngày 100.000 đồng, làm ngày nào ăn lương ngày đó; không có hợp đồng, không có bảo hiểm. Được chừng một tháng thì công trình hoàn thành, tôi lại thất nghiệp, lại vác hồ sơ đi xin việc.

Lần này, tôi được nhận vào một nhà hàng làm nhân viên phục vụ. Nói vậy cho sang chứ thật ra là chạy bàn. Tôi làm ca từ 14 giờ đến 22 giờ, buổi sáng tôi đi học thêm tiếng Anh. Hôm đó có một vị khách đến nhà hàng, thấy tôi phục vụ tốt nên có cảm tình, gọi tôi lại hỏi han. Biết tôi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, vị khách hỏi: “Cậu có muốn về làm việc ở công ty tôi không?”. Nghe vị khách nói về công việc sẽ làm, tôi không do dự mà chấp nhận ngay.

Đó là một công ty nước ngoài. Để bắt đầu công việc mới, tôi phải trải qua khóa huấn luyện 3 tháng với mức “trợ cấp” 6 triệu đồng mỗi tháng. Xong lớp huấn luyện, tôi được ký hợp đồng với mức lương 10 triệu đồng và nhiều khoản phúc lợi khác. Khỏi phải nói, tôi hăng hái đến mức nào.

Từ đó, con đường tôi đi cứ rộng mở thênh thang. Đến cuối năm 2011, tổng thu nhập 1 tháng của tôi đã lên đến gần 50 triệu đồng. Thế nhưng, chính lúc đó, công ty tôi chấm dứt hoạt động ở Việt Nam để chuyển sang một khu vực khác. Tôi nhận được lời đề nghị sang Brazil công tác 3 năm với vị trí trưởng chi nhánh. Thật sự tôi không ngại khó, không ngại khổ nhưng ngay lúc đó, mẹ tôi lâm trọng bệnh. Thế là tôi đành từ chối.

Nghỉ việc từ tháng 10-2011, tôi lại vác hồ sơ đi xin việc khắp nơi. Nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện tại, nơi nào không từ chối với lý do “đang cơ cấu lại nhân sự” thì lại đưa ra mức lương quá thấp.

Không thể cứ mãi ăn không ngồi rồi nên tôi nhận một công việc đòi hỏi “kinh nghiệm tối thiểu 5 năm” ở một công ty trong nước. Mức lương ban đầu là 6 triệu đồng. Tôi lại chép miệng: “Thôi kệ, cứ làm đã rồi tính tiếp”.

Và tôi đã làm việc ở đó được gần 1 tháng. Điều tôi yên tâm là ở công ty mới này, lương của ai cũng… thấp như vậy.

Chỉ có một điều khiến tôi “lăn tăn” mãi là không biết, “cái thằng tôi”- đúng hơn là cái “sức lao động của thằng tôi” và bao nhiêu người lao động khác thật sự có giá bao nhiêu trên thị trường lao động đang hiện hữu ở Việt Nam mình?

Ai biết trả lời dùm?"



0 nhận xét:

Đăng nhận xét