Vì thấy điều này cũng liên quan và ảnh hưởng đến những ai có tham vọng thăng tiến sau này nên tôi trả lời: Làm thế nào để quản lý không bị cảm xúc thiên vị khi giao việc?
Quản lý không thiên vị thật sự rất khó, nếu như không muốn nói là không thể.
1. Vì cũng là con người nên quản trị viên luôn bị cảm xúc ảnh hưởng nên việc thiên vị là không tránh khỏi. Một nguyên nhân quan trọng khác là vì khi quản lý tốt và có ảnh hưởng với tổ chức thì quản trị viên có xu hướng tự tin thái quá (ngã mạn) và cho rằng mình đúng và dần dần xa rời nguyên tắc, thậm chí phá vỡ nguyên tắc. Càng lên cấp quản trị cao càng dễ bị thiên vị do quyền lực trong quản lý ngày càng mạnh và việc phản kháng thiên vị ngày càng gặp khó khăn. Vì vậy vai trò của người đứng đầu trong việc duy trì nguyên tắc, kỷ luật là cực kỳ quan trọng.
2. Để khắc phục điều này các tổ chức cần có những quy định, nguyên tắc, kỷ luật trong quản lý buộc các quản trị viên ở mọi cấp phải tuân thủ, phải có sẵn cẩm nang xử lý mọi tình huống, điều này là rất cần thiết dù nó làm cho bộ máy tổ chức cứng nhắc, giảm khả năng linh hoạt và sáng tạo, nhưng nó lại giúp tổ chức hoạt động ổn định và hạn chế bớt xung đột nội bộ.
3. Tuy nhiên, việc thiên vị trong quản lý lại mạng lại khả năng linh hoạt và sáng tạo, vì quản trị viên có thể tự quyết và có những lựa chọn táo bạo, giao việc cho người được kỳ vọng chứ không phải theo chức năng nhiệm vụ. Nếu quản trị viên thật sự tài năng thì tổ chức sẽ hưởng lợi rất nhiều nhưng chính điều này hình thành nên cái gọi là cơ cấu tổ chức phi chính thức.
Vì vậy, bạn buộc phải lựa chọn giữa thăng hoa (cảm xúc) và ổn định (nguyên tắc) thôi.
Các tổ chức nhỏ có người đứng đầu vượt trội thường bị ảnh hưởng cảm xúc nhiều hơn trong quản lý. Nhất là tổ chức kiểu gia đình trị thì càng rõ, cơ cấu phi chính thức thường rất mạnh.
Các tổ chức lớn thường phải có bộ quy tắc cho mọi ứng xử, và cố gắng cắt bỏ các ràng buộc tình cảm trong quản lý, thì các quản trị viên cũng chênh lệch năng lực sẽ không nhiều nên việc thay thế khá dễ dàng (kể cả các CXO) nên sẽ ít thiên vị hơn.
Tóm lại đã là con người thì phải có thiên vị, chỉ ít hay nhiều, hạn chế nó như thế nào thôi.
Mr. Nguyễn Bình Minh - Khoa Thương mại điện tử - Đại học Thương mại
0 nhận xét:
Đăng nhận xét