Ngân hàng Thế giới cùng với Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM), một trong đơn vị nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam, gần đây đã tiến hành một cuộc khảo sát với sự tham gia của 350 công ty thuộc lĩnh vực sản xuất và dịch vụ tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Khảo sát tập trung tìm hiểu ý kiến của người sử dụng lao động về các kỹ năng nghề nghiệp hiện nay lực lượng lao động của họ đang có và những kỹ năng mà họ đang tìm kiếm.
Tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm
Các kết quả tìm thấy có thể không như những gì bạn nghĩ. Thứ nhất, những người sử dụng lao động nói rằng họ không cảm thấy hài lòng với chất lượng về giáo dục và tay nghề của lực lượng lao động hiện có, đặc biệt là của các kỹ sư và các kỹ thuật viên. Điều này đặc biệt thể hiện rõ ở các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam sang một nền kinh tế công nghiệp hóa tiên tiến: đó là các công ty sáng tạo và xuất khẩu.
Thứ hai, những người sử dụng lao động cho biết họ không chỉ tìm kiếm các kỹ năng kỹ thuật, chẳng hạn như khả năng thực hành của một thợ điện. Người sử dụng lao động cũng tìm các kỹ năng mà giới chuyên môn gọi là “nhận thức” và “xã hội”, hoặc “hành vi”. Ví dụ, bên cạnh các kỹ năng kỹ thuật cụ thể cho công việc, tư duy phê phán là kỹ năng cần có nhất đối với giới công chức, văn phòng và quản lý, tiếp theo đó là các kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng lãnh đạo và kỹ năng giao tiếp. Các kỹ năng làm việc theo nhóm và giải quyết vấn đề là các kỹ năng quan trọng đối với giới công nhân. Những kết quả khảo sát này phù hợp với ý kiến của rất nhiều độc giả rằng cần thiết phải thúc đẩy tư duy phản biện.
Điều này có ý nghĩa gì đối với cải cách giáo dục?
Các kết quả điều tra giúp chúng ta hiểu được ba vấn đề quan trọng. Thứ nhất, chiến lược phát triển kỹ năng nghề nghiệp của Việt Nam cần không chỉ nhìn vào lĩnh vực đào tạo kỹ thuật và đào tạo nghề và giáo dục đại học. Các kỹ năng tư duy phê phán hoặc làm việc theo nhóm thường được học từ sớm hơn nhiều - ở các bậc mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở. Đúng là các trường kỹ thuật, dạy nghề và các trường đại học cần trang bị cho các kỹ thuật viên và kỹ sư tương lai các kỹ năng lý thuyết và thực hành cần thiết cho công việc của họ - và các trường cao đẳng và đại học ở Việt Nam vẫn có thể làm tốt hơn nữa điều này. Nhưng chỉ thế thôi chưa đủ. Những gì mà lớp trẻ học được, hoặc chưa học được ở bậc giáo dục phổ thông cũng quan trọng đối với những người sử dụng lao động.
Thứ hai, những người sử dụng lao động đang đưa ra một thông điệp dành cho các giáo viên và các cán bộ quản lý ở bậc tiểu học và trung học cơ sở: Các kỹ năng tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và giao tiếp không phải là các kỹ năng có thể thu nhận được bằng cách học thuộc lòng - giáo viên giảng bài, học sinh chép bài – một thực tế ở rất nhiều trường học của Việt Nam. Nếu hệ thống giáo dục của Việt Nam muốn đem đến những kỹ năng nghề nghiệp mà những người sử dụng lao động mong muốn, phương pháp giảng dạy sẽ cần phải thay đổi.
Thứ ba, quan điểm của những người sử dụng lao động Việt Nam rất giống với quan điểm của những người sử dụng lao động ở các nước có nền kinh tế thu nhập cao hoặc trung bình cao. Nếu chúng ta hỏi những người sử dụng lao động tại Anh và Đức, họ sẽ nói rằng các kỹ năng tư duy phê phán và giao tiếp là các kỹ năng thường được đòi hỏi nhưng lại hay thiếu ở người lao động. Điều này có nghĩa là, bằng cách định hướng lại hệ thống giáo dục để tập trung nhiều hơn vào giảng dạy các loại kỹ năng này, Việt Nam sẽ được chuẩn bị được cho bị những kỹ năng nghề nghiệp không bao giờ bị lỗi thời.
Việt Nam cần áp dụng chiến lược nào cho phát triển kỹ năng nghề nghiệp để chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp hóa?
Câu hỏi này thừa nhận một thực tế là ở Việt Nam hiện nay vẫn có một phần lớn lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, nguồn lao động dồi dào và tương đối rẻ của Việt Nam vẫn còn là một lợi thế so sánh trong sản xuất.
Vậy đây chính là thời điểm phù hợp để tập trung vào các kỹ năng nghề nghiệp cho một nền kinh tế công nghiệp hóa?
Đúng vậy. Nền kinh tế của Việt Nam, của các nước láng giềng và của các đối thủ cạnh tranh đang thay đổi nhanh chóng. Đã có các ý kiến cho rằng Trung Quốc đang mất dần vị thế là quốc gia chuyên sản xuất các sản phẩm chi phí thấp cho toàn cầu. Mức lương tăng ở các quốc gia Đông Nam Á là một dấu hiệu cho thấy các việc làm chi phí thấp, tay nghề thấp sẽ mất đi nhanh chóng hơn so với việc xây dựng một lực lượng lao động được giáo dục và đào tạo phù hợp cho các việc làm kỹ thuật cao. Nếu Việt Nam muốn đi trước đón đầu thì đây là thời điểm phù hợp để bắt đầu hành động.
Nên bắt đầu từ đâu?
Vậy cần bắt đầu từ đâu để cải thiện kỹ năng nghề nghiệp của lực lượng lao động? Cải cách giáo dục cần tập trung vào các mục tiêu nào? Cải cách giáo dục thường khó đạt được thành công nếu nó đến từ chỉ thị của các quan chức chính phủ. Kinh nghiệm từ khắp nơi trên thế giới cho thấy rằng các cải cách giáo dục cơ bản cần thiết để chuẩn bị lực lượng lao động Việt Nam cho tương lai đòi hỏi một cuộc thảo luận mở trong xã hội, có sự tham gia của các doanh nghiệp, các trường phổ thông và các trường đại học, cha mẹ và học sinh, các cơ quan có thẩm quyền các cấp. Thảo luận này cần được bắt đầu với diễn đàn dành cho những người sử dụng lao động để truyền đạt về những gì họ đang tìm kiếm và để đảm bảo tất cả mọi người đều nhận được thông điệp này: Tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp và làm việc theo nhóm là các kỹ năng cần thiết cho tương lai.
Nhân Viên Mới St từ blogs.worldbank.org
0 nhận xét:
Đăng nhận xét