Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Phẩm chất của nhà quản lý giỏi


Warren Bennis, một chuyên gia nổi tiếng về nghệ thuật lãnh đạo công ty đã từng nói rằng: “Quản lý là một cuộc thử nghiệm gắt gao trong cuộc đời mỗi cá nhân, và điều đó sẽ mài giũa họ trở thành các nhà lãnh đạo”. Vậy để thành công trong cuộc thử nghiệm này, nhà quản lý cần chuẩn bị cho mình những gì?

Công việc quản lý thật nhiều thú vị, đồng thời cũng là một quá trình khó khăn gian khổ. Mọi người thường hay nhắc đến thuật ngữ “nhà quản lý bẩm sinh” khi nói về thành công của một số nhà quản lý. Sự thật không hẳn như vậy. Nhà quản lý giỏi có thể là bất cứ ai, ở bất cứ đâu khi anh ta hội đủ các phẩm chất cần thiết.

Chỉ nhìn vào những nhà quản lý thành đạt tại các công ty, chúng ta có thể thấy được những phẩm chất của họ khác biệt thật là xa so với những trưởng phòng hay giám sát viên đơn thuần. Một cuộc nghiên cứu của tạp chí Nihon Keizai, Nhật Bản, đã đúc kết được 6 phẩm chất có quan trọng nhất ở tất cả các nhà quản lý thành công:

1. Phẩm chất của một vị tướng giỏi

Khi xông pha trận mạc, một người cầm quân “trăm trận trăm thắng” phải là người biết điều binh khiển tướng, thông tuệ binh sách, mưu lược... Nhà quản lý cũng cần phẩm chất như vậy với sự hiểu biết cặn kẽ về một loại hình hoạt động đặc biệt nào đó, nhất là loại hình hoạt động có liên quan đến các phương pháp, các chu trình, các thủ tục hay các kỹ thuật trong công ty.


Trong số các phẩm chất của một nhà quản lý, phẩm chất kỹ thuật là yếu tố được nhắc đến nhiều nhất, và trong thời đại chuyên môn hoá ngày nay, phẩm chất này càng được chú trọng. Hầu hết các chương trình đào tạo quản lý chủ yếu hướng đến việc phát triển kỹ thuật chuyên môn quản lý.

Một vị tướng giỏi còn là một người biết đưa ra những quyết định chuẩn xác nhất trong thời gian ngắn nhất. Trong quản lý kinh doanh hiện đại, người ta không xây dựng chiến lược như trước đây, bởi các chiến lược tốt nhất cũng sẽ trở nên không còn phù hợp nếu việc xác định mất quá nhiều thời gian.

Nhưng làm sao để có được cách lựa chọn nhanh nhạy và thực sự tranh thủ được thời gian? Điều này tuỳ thuộc vào khả năng của các nhà quản lý có thể ra quyết định chớp nhoáng như một vị tướng quân sự tài ba hay không.

Các vị tướng thường dựa vào những cố vấn quân sự của mình, còn các nhà quản lý cũng phải dựa vào những chuyên viên tư vấn để ra quyết định. Đa số các nhà quản lý ra quyết định nhanh nhạy thường lấy ý kiến ở hai cấp độ- một là, của tất cả các cộng sự, hai là, của các nhà tư vấn có kinh nghiệm nhất.

 Trong khi đó, những nhà quản lý quyết định chậm thường không giao cho ai giữ vai trò tư vấn. Họ ít có các quan hệ gần gũi và nghe ý kiến của người khác. Hoặc giả họ có tranh thủ ý kiến thì chỉ là tình cờ. Ở đây, chính các nhà tư vấn mới là người đẩy nhanh quá trình ra quyết định. Họ không chỉ đóng góp năng lực từng trải của mình, mà còn phát huy các quan hệ cộng tác gần gũi, tăng thêm sự tự tin của người ra quyết định.

Trước những tình hình chưa rõ ràng và chắc chắn, sự bàn bạc với những chuyên viên tư vấn nhiều kinh nghiệm sẽ giúp cho các nhà quản lý có thêm lòng can đảm và tự tin trong việc đưa ra những quyết định chuẩn xác.

2. Phẩm chất của một người chủ gia đình mẫu mực

Gần đây, người ta hay nói nhiều đến văn hoá công ty và muốn biết ai là người tạo dựng nên nó. Câu trả lời là tất cả các thành viên trong công ty. Nhưng ai là người khơi dậy, nuôi dưỡng và định hướng, phát huy văn hóa đó để tạo thành một bản sắc riêng của công ty? Câu trả lời là nhà quản lý trên cương vị một người “chủ gia đình” mẫu mực.


Trong gia đình, vai trò của người cha là hết sức quan trọng, một người cha mẫu mực không chỉ là khuôn hình mẫu, là người thầy, là trọng tài mà còn cao hơn còn phải biết là người bạn gần gũi, cởi mở cảm thông và biết chia sẻ với mọi thành viên trong gia đình, theo đúng nghĩa một người bạn.

Làm được như vậy, gia đình- công ty sẽ là một thể hữu cơ, gắn kết chặt chẽ với nhau, mọi thành viên đều có cơ hội bày tỏ chính mình, cơ hội để phát huy sự sáng tạo cá nhân của mình đóng góp cho cái chung. Rustomiji, một doanh nhân lớn của Nhật Bản đã nói “Đây là hãng của tôi. Đây là nhà máy của tôi. Đây là nơi nuôi sống tôi. Bạn sẽ giống người trúng xổ số độc đắc nếu những người lao động của bạn có ý thức giống như câu nói trên”.

Về mặt tâm lý, nhân viên trong công ty chỉ tuân phục nếu được người quản lý tôn trọng danh dự và bảo đảm quyền lợi cho họ, vì thế, nhà quản lý phải tránh bớt các mệnh lệnh độc tài, nên mềm mỏng mà kiên quyết. Đó chính là phẩm chất của người chủ gia đình mẫu mực.

Nếu phẩm chất “vị tướng giỏi” trước hết đề cập đến chuyện làm việc với các khái niệm, các chu trình hay đối tượng vật chất, thì phẩm chất “người chủ gia đình” đề cập đến khía cạnh con người. Nhà quản lý có phẩm chất “người chủ gia đình” là người có đủ nhạy cảm đối với những nhu cầu và động cơ của các nhân viên trong công ty đến mức có thể dự đoán và đánh giá được những phản ứng từ phía các nhân viên cùng những hậu quả từ cách hành động mà nhà quản lý đã, đang hay sẽ thực thi. Như vậy, nhà quản lý luôn tính đến nhận thức và thái độ của những người khác.

3. Phẩm chất của một thuyền trưởng bản lĩnh

Đại dương mênh mông luôn ẩn chứa trong đó bao mối nguy hiểm. Kinh doanh trên thương trường cũng vậy và công ty luôn phải đối phó với sự cạnh tranh khắc nghiệt từ mọi phía. Nhà quản lý ngoài kiến thức chuyên môn, kỹ năng quản trị còn rất đến bản lĩnh của một thuyền trưởng kinh nghiệm biết chèo lái con thuyền công ty đi đúng luồng lạch, vượt qua khó khăn để cập bến an toàn. Khi đó, nhà quản lý không chỉ là người chỉ huy, lãnh đạo mà còn là chỗ dựa, là nơi gửi gắm niềm tin của thuỷ thủ đoàn trên con thuyền công ty.

Phẩm chất “thuyền trưởng bản lĩnh” bao gồm khả năng bao quát tình hình công ty như một thể thống nhất, bao gồm việc đánh giá tầm quan trọng của các bộ phận, mức độ phụ thuộc và ảnh hưởng lẫn nhau trong trường hợp xảy ra sự thay đổi trong một bộ phận bất kỳ.

Phẩm chất này cũng mở rộng đến mối quan hệ giữa công ty với toàn lĩnh vực mà công ty đang hoạt động, từ đó nhà quản lý có thể phát hiện nhanh chóng những diễn biến bất thường của môi trường ngoại cảnh để kịp thời đối phó và điều chỉnh hành động theo hướng có lợi nhất cho công ty. Vì thế sự thành công của bất cứ quyết định nào đều phụ thuộc vào kỹ năng nhận thức và chèo lái của nhà quản lý, chưa kể toàn bộ các quyết định mang bản sắc của công ty cũng phụ thuộc vào phẩm chất này.

Từ lâu nay, các thuyền trưởng luôn được xem như những con người lịch thiệp. Với nhà quản lý cũng vậy, sự lịch thiệp sẽ góp phần nâng cao lòng kính trọng của các nhân viên đối với cấp trên của mình. Những mệnh lệnh được đưa ra trong công ty dưới dạng lịch thiệp, thường dẫn đến kết quả tốt hơn là mệnh lệnh không tôn trọng người khác.

 Các nhà quản lý nên tạo ra cho mình thói quen bắt đầu trước trong giao tiếp, tỏ ra thân ái, niềm nở và nhìn mọi người bằng con mắt thân thiện.

4. Phẩm chất của một vận động viên tự tin và giàu nghị lực


Đó chính là ý chí và có khát vọng vươn lên. Lúc Donald Trump, nhà tỷ phú bất động sản còn trai trẻ, ông đã khóc trước tượng của Alexandre đặt trong đền Heraile ở Gades, vì thấy mình không được lừng danh như Alexandre. Thật ra không cần phải như vậy. Nhà quản lý không nên háo danh, nhưng phải mang trong mình khát vọng vươn lên.

Phẩm chất vận động viên của nhà quản lý còn thể hiện ở niềm tin vào khả năng, dũng cảm, có chí hướng và biết thể hiện phẩm chất với các nhân viên dưới quyền.

Trong công ty, nhà quản lý thành công là người luôn đi thẳng, ngẩng cao đầu, bước chững chạc tạo thói quen tự tin. Niềm tin vào bản thân là phẩm chất rất cần thiết đối với người nhà quản lý.

Niềm tin mạnh mẽ, dũng cảm luôn đi liền với khái niệm bình tĩnh của nhà quản lý. Họ luôn tự chủ được thần kinh của mình và duy trì sự bình tĩnh khi phải đối mặt với nhiều thách thức trong các cuộc thi đấu đầy gian khó.

5. Phẩm chất của một huấn luyện viên có năng lực

Vấn đề phổ biến nhất ở các công ty là nhân viên không làm việc hiệu quả như ý của nhà quản lý, đặc biệt là những nhân viên giỏi về mặt chuyên môn nhưng lại thiếu kỹ năng giao tiếp. Để giải quyết vấn đề này, các nhà quản lý cần thể hiện phẩm chất của một huấn luyện viên biết cách dàn xếp, giải quyết sao cho có thể phát huy hết năng lực của các tuyển thủ mà mình huấn luyện. Nhà quản lý hãy kiên nhẫn và sắp xếp cuộc họp với những nhân viên đó. Hãy đảm bảo rằng vào cuối buổi bàn thảo, nhân viên sẽ biết chắc là có tồn tại vấn đề khúc mắc, đồng thời hiểu được cần làm gì để giải quyết vấn đề.


Sẽ tốt hơn cả nếu đưa người đó vào một cuộc nói chuyện như trong một cuộc phỏng vấn. Một câu hỏi mở đơn giản như: “Bạn thấy việc tiếp xúc với những người khác trong công việc của bạn như thế nào?” có thể đem lại câu trả lời cụ thể và xác định giúp nhân viên nhận thức được vấn đề tồn tại. Mọi người thường dễ chấp nhận hơn nếu như nhà quản lý thấu hiểu những khó khăn của họ. Ví dụ như, nếu nhà quản lý nói: “Tôi biết là rất khó để có thể quản lý con người, chắc chắn là tôi cũng mắc rất nhiều lỗi khi tôi mới bắt đầu”, thì sẽ dễ dàng hơn nhiều cho người khác khi thừa nhận điểm yếu của họ.

6. Phẩm chất của một nhà lãnh đạo thực thụ

Gari Selfridje, chuyên gia uy tín trong lĩnh vực quản lý, đã từng nói, nhà quản lý phải “lãnh đạo” chứ không chỉ đơn thuần làm công việc điều hành, nghĩa là nhà quản lý cần giữ vai trò hướng dẫn, lựa chọn mục tiêu, xác lập tầm nhìn, dẫn dắt và tạo động lực cho công ty phát triển.


Một nhà lãnh đạo thực thụ không bao giờ sợ những lời phê bình. Nhà quản lý cũng vậy, nếu sợ phê bình thì không phải là nhà quản lý nữa. Trong nghệ thuật quản lỹ cũng như nghệ thuật lãnh đạo, phê bình là rất cần thiết nhưng phê bình cần mang tính xây dựng nhằm sửa chữa khuyết điểm bằng hành động.

Từ chỗ biết phê bình một cách hợp lý, nhà quản lý cần biết thưởng phạt công mình. Nếu biết nhân viên nào đó xứng đáng được khen thì hãy khen anh ta dù chỉ một chút thôi. Còn việc phạt phải mang tính xây dựng, không nên mắng mỏ khi cảnh cáo người dưới quyền.

 Cảnh cáo nên bắt đầu từ khen ngợi, sau đó cho họ biết khuyết điểm của họ, nhưng việc này chỉ nên thực hiện sao cho các nhân viên khác không biết được.

 Cảnh cáo trước đông đảo nhân viên trong công ty được coi là mức phạt cao nhất, chỉ áp dụng trong những trường hợp đặc biệt khi các biện pháp khác không mang lại hiệu quả.

Sau cùng, với phẩm chất của một nhà lãnh đạo thực thụ, nhà quản lý bao giờ cũng phải có uy quyền, có nghệ thuật dẫn dụ, có lý luận sắc bén và …nghệ thuật thôi miên. Dẫn dụ là dựa vào tình cảm làm cho cấp dưới ham lợi ích phải nghe theo mình, còn lý luận là đem lý lẽ và chính kiến khiến các nhân viên nể phục những lý lẽ đó rồi làm theo. Còn thôi miên lôi kéo người khác thực hiện theo ảnh hưởng của người thôi miên. Uy quyền là một ma lực bắt người khác tuân phục. Mỗi nhà quản lý đều có thể có uy quyền. Một trong những yếu tố cấu thành uy quyền của người quản lý là lòng thán phục của cấp dưới.

Có thể nói, 6 phẩm chất trên có mối liên quan mật thiết với nhau đến mức khó mà xác định được đâu là ranh giới rõ ràng.

Tầm quan trọng tương đối của từng phầm chất thay đổi tuỳ theo những cấp trách nhiệm khác nhau. Tại các cấp thấp hơn, phẩm chất “vị tướng giỏi” là yếu tố tạo ra nhiều điểm ưu việt trong các công việc thiên về chuyên môn kỹ thuật. Tuy nhiên, khi nhà quản lý tiến dần lên ngày càng cao hơn yêu cầu về phẩm chất này trở nên ít quan trọng hơn, mà thay thế vào đó là phẩm chất người chủ gia đình hay phẩm chất nhà lãnh đạo…

Phương pháp quản lý theo 6 phẩm chất này nhấn mạnh rằng, những nhà quản lý giỏi có thể được phát triển và mài giũa mà thành. Nhận thức rõ ràng về những phẩm chất này và về những phương pháp đo lường trình độ của các nhà quản lý sẽ là công cụ hiệu quả để các nhà lãnh đạo cấp cao chọn lựa, đào tạo và đề bạt các cán bộ quản lý ở tất cả các cấp trong công ty.

dễ dàng học các kỹ năng căn bản tại kynangcanban.blogspot.com

0 nhận xét:

Đăng nhận xét