Năm thứ hai, dù cố gắng sống tằn tiện, nhịn ăn sáng, nhịn cà phê, trốn luôn cả những buổi tiệc sinh nhật của bạn bè nhưng những khoản chi tiêu của tôi ngày càng nhiều hơn, những cuộc gọi điện thoại về nhà vì thế cũng bắt đầu nhiều hơn.
Những khoản tiền mẹ gửi cũng trở nên thường xuyên không đúng hạn. Tôi bắt đầu cảm nhận được sự khốn khó, ngột ngạt, tủi thân dù rằng tôi đã quen sống cảnh con nhà nghèo và đã xác định trước những khó khăn về tiền bạc khi tôi vào đại học. Tôi biết để có tiền hàng tháng gửi cho tôi ăn học, ba mẹ và các em tôi phải nhịn đi nhiều những bữa cơm có thịt, có cá nhưng thực tế là 300.000 đồng bây giờ không còn đủ cho tôi vui sống đời sinh viên cho 1 tháng.
Một lần về thăm nhà. bắt gặp cảnh mẹ và 2 đứa em tôi đang còng lưng quét rác, chùi rửa nhà vệ sinh cho một công ty để kiếm thêm tiền cho tôi đi học. Tôi quyết định đi làm thêm.
Tôi đi làm thêm, bất cứ công việc gì có thể. Như bao sinh viên khác, công việc làm thêm truyền thống là gia sư. Nghề gia sư của tôi bắt đầu cũng không hề suôn sẽ, lần tìm theo địa chỉ trên một mẫu quảng cáo tôi đến với trung tâm giới thiệu việc làm, sau khi đóng trước 50% tiền lương tháng đầu tiên tôi được người của trung tâm dẫn đến nhà học trò với lời dặn: “em phải nói em là giáo viên mới ra trường chưa có việc làm người ta mới chịu nhé”.
Học trò của tôi là 1 cậu bé lớp 5, ham chơi hơn ham học, mà tôi lại không có khiếu dụ con nít ham chơi thành ham học và thế là đúng 1 tháng, chủ nhà chìa cho tôi 1 phong bì đựng tiền lương với lời chia tay đầy tế nhị: “em thông cảm, chị cho cháu đến nhà cô giáo học thêm”. Cầm 200.000 tiền lương, tôi nhẩm tính, sau khi trừ đi 50% tiền hoa hồng cho trung tâm việc làm tôi nhận được 100.000 đồng cho 1 tháng đạp xe đi về từ Thủ Đức lên Tân Bình với nhiều hy vọng. Nhiều lần như thế, may mắn cũng đến với tôi, khi tôi tìm được 1 chỗ dạy thêm gắn bó với tôi cho đến ngày tôi ra trường, với mức lương 300.000 mỗi tháng xem như tôi đã phần nào đỡ gánh lo cho mẹ.
Tiếp tục kiếm thêm tiền để trang trải cho chuyện học, tôi đi khắp các nhà hàng xin việc. Tôi được nhận vào làm các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật với nhiệm vụ làm bồi bàn phục vụ đám cưới. Tiền công của tôi cũng được nâng dần từ mức 50.000 đồng lên 100.000 đồng và rồi 150.000 đồng một ngày. Như vậy, tháng nào làm đủ 8 ngày xem như tôi đã kiếm thêm được 1.200.000 đồng cộng thêm tiền dạy thêm, thu nhập của tôi đã là 1.500.000 đồng mỗi tháng.
Không chỉ dạy thêm, phục vụ nhà hàng tôi sẵn sàng làm bất cứ công việc gì khi có cơ hội. Tôi xin nhà trường cho tôi nhận thầu cắt cỏ sân bóng, xin nhận thầu bãi giữ xe, nhận thầu việc giao nước uống cho các phòng trong KTX.
Lúc này tôi không còn cảnh hàng tháng ngồi ngóng tiền mẹ gửi trái lại tôi bắt đầu gửi tiền ngược lại về quê phụ mẹ đóng tiền học cho em tôi. Tôi khóc nghẹn ngào khi lần đầu tiên mua được cho ba mẹ cái tivi màu thay cho cái tivi trắng đen có tuổi đời gần bằng tuổi tôi. Tôi tự hào khi tự sắm cho mình chiếc Wave Trung Quốc để có phương tiện đi lại.
Nhưng, để có thể làm thêm nhiều như thế, tôi không ít lần phải hy sinh những buổi học quan trọng thậm chí có khi bỏ cả giờ kiểm tra. Mùa thi đến cũng không có thời gian lên giảng đường để ôn bài như các sinh viên khác. Đọc sách, nghiên cứu tài liệu, thực hành máy tính, lên thư viện, ngày nghỉ cuối tuần đối với tôi giờ là thứ gì đó quá xa xỉ.
Tôi lao vào làm việc, đơn giản cũng vì tiền, bởi đối với bạn làm thêm chỉ là để làm thêm, nhưng với tôi lúc đó việc làm thêm là để được tiếp tục học. Cũng vì ý nghĩ đó nên dù quay cuồng với việc làm thêm nhưng tôi vẫn có ý thức thu xếp thời gian cho việc học. Không lên được giảng đường thì tôi mượn tập ghi chép của bạn, nhờ bạn giảng lại bài, đem theo bài học đến chỗ làm tranh thủ những lúc được nghỉ, bởi mục đích cuối cùng của tôi là học tập nên nếu kiếm được nhiều tiền mà mất việc học thì cái công việc làm thêm của tôi trở thành vô nghĩa.
Giờ đây, đã hơn 10 năm kể từ cái ngày tôi mang theo 300.000 đồng của mẹ lên Sài Gòn học đại học, mỗi khi đi dự đám cưới tôi chợt nhớ lại cái thời sinh viên của mỉnh với những việc làm thêm đầy ý nghĩa.
Làm thê thời sinh viên không chỉ giúp tôi trang trải và vui sống qua thời sinh viên mà nó còn trang trải giúp tôi rất nhiều vốn sống. Nhờ công việc bồi bàn, tôi đã học được sự nhẫn nhịn trước những yêu cầu, đòi hỏi có khi đến quá đáng của khách hàng đi dự tiệc. Nhờ nó mà tôi rèn luyện được khả năng chịu đựng cường độ lao động liên tục từ 6 giờ sáng cho đến 10 giờ tôi mà trên môi lúc nào cũng phải nở nụ cười. Cũng nhờ những ngày đứng cắt cỏ sân bóng của trường, tôi mới thấm thía cái nắng Sài Gòn như lửa đổ và biết nể phục, tôn trọng cho những người lao động chân tay trên khắp nơi.
Những vốn sống đó, giờ đây được tôi áp dụng vào công việc hàng ngày. Tôi biết cảm thông hơn với những người lao động chân chính, không phân biệt, không xem thường với bất cứ công việc, ngành nghề gì, tôi trân trọng hơn những đồng tiền mình kiếm được, và quan trọng là tôi bản lĩnh hơn.
Có lẽ ai cũng từng có một khoảng thời gian gần như thế, tôi bắt gặp mình trong câu chuyện này... giờ thỉnh thoảng nhìn lại để có thêm tí động lực,... mỉm cười vì mình đã từng làm được.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét