1. Mối quan hệ mục tiêu
Đây là mối quan hệ với những người mà bạn không biết, nhưng ở trong cùng lĩnh vực kinh doanh với bạn, có thể là người cùng kinh doanh như bạn hoặc đối thủ. Bạn nên đặt mục tiêu và kết nối với họ, vì bạn sẽ được lợi từ những gì mà họ đề xuất, cũng như họ sẽ được lợi từ việc quen biết với bạn.
Những mối quan hệ có mục tiêu thường mang lại cảm giác không thật, bởi bạn không thực sự biết về cá nhân những con người này. Có thể bạn sẽ kết nối với họ trên trang nghề nghiệp LinkedIn hoặc trao đổi danh thiếp tại một sự kiện. Bạn chưa thể phụ thuộc ngay vào những người này, nhưng nếu bạn “đầu tư” cho những mối quan hệ với họ, họ có thể giữ vai trò quan trọng đối với bạn trong tương lai. Nếu bạn đặt mục tiêu vào đúng người, bạn sẽ biết rõ ai là người mà bạn cần tìm đến khi lĩnh vực kinh doanh của công ty hoặc thị trường có biến động.
2. Mối quan hệ có chủ đích
Trước khi bạn đề nghị ai đó làm điều gì đó cho mình, bạn cần phải thiết lập một dạng quan hệ với người đó. Nếu bạn đã có cuộc trò chuyện chóng vánh với một người nào đó tại một cuộc hội thảo hoặc một sự kiện, mối quan hệ đó là một mối quan hệ có chủ đích. Có thể bạn chưa thực sự biết về họ, nhưng bạn đã biết đủ để có thể gửi email cho họ và hỏi xem họ có muốn tham gia vào dự án mới của bạn hay không.
Các mối quan hệ có chủ đích khác với quan hệ mục tiêu vì bạn đã thực sự trò chuyện và gặp gỡ với những người này thông qua một vài buổi cà phê hoặc ăn trưa nào đó. Bạn nhận thấy mối quan hệ với họ phát triển, và hai bên nỗ lực để hiểu rõ về nhau hơn. Những người này có thể đem đến lợi ích cho công ty của bạn. Chẳng hạn, nếu bạn cần biết nơi cung cấp một số mặt hàng nhất định, họ có thể giúp bạn liên lạc với đúng người. Nếu họ là chuyên gia trong ngành, họ có thể tư vấn cho bạn về những quyết định kinh doanh khác nhau.
3. Mối quan hệ giao dịch
Đây là những mhững mối quan hệ có mức độ cá nhân thấp và thường được các nhà quản lý sử dụng để đạt được những mục tiêu kinh doanh cụ thể. “Các mối quan hệ này được định nghĩa bởi điều mà một bên có thể làm được cho bên kia để giúp bên kia đạt được những mục tiêu trong ngắn hạn, hiếm khi lan sang vấn đề sự nghiệp và các lĩnh vực cá nhân”, chuyên gia Berson và Stieglitz viết. Chẳng hạn, các mối quan hệ với khách hàng, bạn kinh doanh hoặc nhà cung cấp thường là các mối quan hệ giao dịch.
“Đối tác trong mối quan hệ giao dịch tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau bởi họ thường xuyên làm việc cùng nhau và đối xử bình đẳng với nhau. Những mối quan hệ này phát triển với những người mà bạn có thể tìm đến và dựa vào để hoàn thành công việc”, hai đồng tác giả viết.
4. Mối quan hệ tin cẩn
Đây là mối quan hệ cá nhân nhất, giá trị nhất và thường là lâu dài nhất trong số những mối quan hệ được nêu ở đây. Những cuộc trao đổi của bạn với những người này thường liên quan tới các kế hoạch dài hơi.
Những người này là người tư vấn hoặc bạn làm ăn thân thiết. Dạng quan hệ này cũng cần tồn tại giữa lãnh đạo cấp cao của công ty với đối tác trong các tổ chức khác nhau. Các thỏa thuận kinh doanh cần phải được hình thành thông qua các mối quan hệ tin cẩn. Để tạo dựng được một mối quan hệ như vậy, bạn cần phải có nhiều tương tác. Ở giai đoạn đầu của các mối quan hệ tin cẩn, bạn nên giúp đỡ đối phương mà không kỳ vọng được họ đáp trả điều gì. Một khi bạn làm vậy, sự tin tưởng sẽ hình thành giữa hai bên. Nếu bạn quyết định làm ăn với bên kia, những tương tác như vậy có thể sẽ dẫn tới một mối quan hệ tin cẩn, bởi bạn đã đối xử tối với họ và không lợi dụng họ để đạt lợi ích một phía.
Các mối quan hệ tin cẩn đòi hỏi sự đầu tư nhiều nhất cả về thời gian và công sức, nhưng điều đó là xứng đáng bởi các mối quan hệ này thường tạo ra những cơ hội lớn và có ảnh hưởng lớn và lâu dài đối với công ty của bạn cũng như của phía bên kia.
Bạn không cần phải xây dựng mối quan hệ sâu sắc với bất kỳ ai mà bạn gặp. Cách tốt nhất là chọn một vài người để xây dựng mối quan hệ tin cẩn, đồng thời xác định một nhóm lớn hơn để xây dựng các mối quan hệ mục tiêu, có chủ đích và giao dịch.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét